Thế Nào Là Dram Trong Thế Giới Whisky?

Dram là gì

Thế Nào Là Dram Trong Thế Giới Whisky?

GIES A DRAM.

– “Oh…., dram này ngon”

…..nghe vậy có vẻ rất chuyên nghiệp. Vậy Dram là gì.

Nguồn gốc của từ Dram

Dram có thể bắt nguồn từ thời Hy Lạp cổ đại, và từ Drakhme, được sử dụng để chỉ tiền xu.

Nó lan sang Anh vào thế kỷ 15 thông qua việc dịch sang tiếng Latinh (Dragma), thuật ngữ này đến Scotland và thay vì một đơn vị trọng lượng, bắt đầu biểu thị thể tích của chất lỏng.

Ban đầu của từ dram là một thuật ngữ để chỉ trọng lượng của các tiệm thuốc, thường được đồng ý là 1/8 ounce.

Không ai có thể chắc chắn rằng nó đã trở nên phổ biến như thế nào ở Scotland hay tại sao nó lại chuyển từ định lượng chất rắn sang định lượng chất lỏng.

Nếu bạn ở một quán rượu và gọi một DRAM, nó có nghĩa là cho một ly whisky, chứ không phải là số lượng ít ỏi kia.

Mặc dù hiện tại được cơ quan lập pháp cấp phép của Scotland định nghĩa là 25ml hoặc 35ml, nhưng gần đây các nhà tổ chức của lễ hội rượu whisky lấy Dram làm thước đo chính thức cho rượu whisky.

Trong tiếng Gaelic của người Scotland – nghĩa đen của ‘dram’ chỉ đơn giản là ‘đồ uống’, nó là một LƯỢNG TỪ, để chỉ một đơn vị đồ uống có cồn, thường dùng nhất là whisky.

Dram không chỉ là một lượng whisky bạn rót ra mà còn như là một DANH TỪ. Ví dụ 2 câu sau.

– Can I have a dram of your finest whisky? – Cho tôi một ly whisky ngon nhất được chứ ?

– Gies a dram – Cho tôi một ly <tiếng Gaelic>

Có một số quán rượu quan niệm rằng một chai rượu whisky nên được chia sẻ cho nhiều khách, do đó người ta lấy 20 ml làm đơn vị đo lường, là thể tích tốt nhất đủ cho 35 khách hàng.

Hệ thống đo lường của Anh

Đơn vị đo lường, dram, tồn tại dưới dạng thước đo trọng lượng và dram chất lỏng. Chất lỏng, điều đó có vẻ tốt với chúng tôi là những người bạn của rượu whisky ngon. Theo định nghĩa, một dram trong hệ thống đo lường cũ của Anh tương ứng chính xác với 0,003551633032809 l, tương ứng với khoảng 3,55 ml được làm tròn. Tuy nhiên, lượng này đủ để làm ẩm đáy kính tráng men. Vì vậy phải có định nghĩa khác.

Phép Đo Vạch Trong Quán Rượu Ở Anh

Một dram không phải là một đơn vị đo lường thực tế, mà thông thường là một lượng nhỏ rượu whisky. Một vài thập kỷ trước (cho đến khi có cuộc cải cách vào năm 1963), ở Anh, người ta thường đổ 1/4, 1/5 hoặc 1/6 Gin (1 Gin = 142 ml), 35,5 ml, 28,4 ml và 23,7 ml tương ứng . Vì vậy, một dram là một schnapps nhỏ hơn hoặc lớn hơn.

Hệ thống này được đơn giản hóa vào năm 1987, và rượu mạnh được rót trong các thanh tiếng Anh kể từ đó được đo ở mức 25 ml hoặc 50 ml (gấp đôi), ở Scotland, phép đo 35 ml, gấp đôi ở 70ml là tiêu chuẩn. Tuy nhiên, điều này đang thay đổi phù hợp với nước Anh.

Lời giải thích đơn giản mang tính thi vị hơn là định nghĩa chính xác: “Một dram là rất nhiều rượu whisky, được xác định bởi sự hào phóng và tâm trạng của người rót nó ra.”

THẾ NÀO LÀ MỘT DRAM RƯỢU (WHISKY) NGON?

Có lẽ đã có rất nhiều các tranh luận thế nào là một dram rượu ngon cả online lẫn offline nhưng chưa có một kết quả/đánh giá một cách đầy đủ và đồng nhất về vấn đề này. Ngay cả bài viết này chưa chắc đã có sự đồng nhất cao nhưng em cũng xin tổng hợp lại các trao đổi và đưa ra các quan điểm của cá nhân em về thế nào là một dram rượu ngon để các bác cùng trao đổi. Bài khá dài nên em tạm chia thành 5 phần. Các bác chịu khó đọc kỹ. Bác nào không có đủ thời gian xin đọc phần kết luận ở phía cuối.

PHẦN 1: Mở Đầu

1.Dram rượu ngon chứ không phải một chai hay một bữa rượu

Trước hết về thuật ngữ, em xin phép được giới hạn việc trao đổi tại một dram rượu ngon mà không phải một CHAI rượu ngon hay một BỮA rượu ngon. Khái niệm “rượu” ở đây được giới hạn về rượu whisky. Các bác có thể tham khảo tùy thích khi tham chiếu sang các loại rượu khác nhưng chắc chắn sẽ có một sự khác biệt đáng kể. Dram rượu là một lượng rượu của một chai cụ thể đã được rót ra ly và sẵn sàng chờ người thưởng thức. Một BỮA rượu ngon là quá rộng đối với em vì quá nhiều yếu tố chi phối trong khi một CHAI rượu ngon có khi còn phụ thuộc vào cách bảo quản của từng chai. Cùng một chai rượu nhưng uống lần đầu có thể khác sau khi để oxy hóa một thời gian. Cùng một chai rượu nhưng nếu bảo quản không tốt có thể cho chất lượng hoàn toàn khác với một chai rượu bảo quản tốt.

2.Tại sao lại phải trao đổi về một dram rượu ngon?

Nhiều người có thể bảo lắm chuyện, ngon là được rồi, cần gì phải phức tạp hóa vấn đề? Vậy nếu bác đã nếm khoảng trên dưới 1.000 dram rượu các loại và trong số đó bác may mắn thấy rằng khoảng 500-600 loại các bác cho là ngon theo khẩu vị của bác thì 500-600 loại này các bác phân biệt với nhau thế nào? Hoặc khi một người bạn nhờ bác tư vấn các loại rượu ngon phù hợp với sở thích của họ thì làm thế nào để tư vấn cho họ? Vậy thì có lẽ chúng ta cần phải phức tạp hóa vấn đề lên để xem thế nào là một ly rượu ngon.

Dù có cố gắng lượng hóa bao nhiêu đi chăng nữa thì cuối cùng, em phải thừa nhận khái niệm rượu ngon phụ thuộc khá nhiều vào các vấn đề cá nhân (cảm xúc, môi trường, kiến thức, kinh nghiệm, mức độ từng trải…). Tuy nhiên, các vấn đề thuộc về “cá nhân” này có thể được thay đổi nếu như từng cá nhân được tiếp xúc với nhiều thông tin hơn và trải nghiệm nhiều hơn và được đào tạo tốt hơn. Do đó mục đích của bài viết này hướng đến:

– Tổng hợp các trao đổi thế nào là rượu ngon

– Chia sẻ kinh nghiệm cá nhân để đánh giá một dram rượu là ngon ở khía cạnh kỹ thuật

Em mong rằng với các nội dung viết trong bài này, khi thưởng thức một dram rượu chúng ta thực sự lưu ý đến các vấn đề lý tính nhiều hơn để qua đó trân trọng hơn giá trị của các loại rượu mà chúng ta được uống thay vì uống một cách vô tội vạ.

Các bác có thể chia sẻ thêm kinh nghiệm cá nhân của mình hoặc áp dụng thử các chia sẻ trong post này trong khi đánh giá rượu và xem tác dụng của nó như thế nào. Việc áp dụng luôn cần thời gian, số lượng các lần trải nghiệm cũng như sự nghiêm túc trong việc đánh giá.

3.Một Dram rượu ngon, cảm tính hay lý tính?

Lượt qua một loạt các bài viết/nhận xét và đánh giá cũng như theo dõi các whisky connoiseur và drinker trên thế giới thì em có thể chia các loại đánh giá làm 2 trường phái.

  1. Các yếu tố cảm tính

    Nhiều anh em đánh giá rượu phụ thuộc vào các vấn đề cảm tính. Một số các yếu tố mà anh em nêu ra như: rượu uống cùng bạn hiền, rượu uống trong hoàn cảnh phù hợp, rượu ngon là rượu có hình thức đẹp…

    Mặc dù không phản đối các yếu tố cảm xúc chi phối trong việc đánh giá rượu ngon vì bản thân em cũng trải qua rất nhiều trường hợp như vậy nhưng em muốn hướng đến việc khám phá rượu ngon nhiều hơn ở góc độ lý tính. Tại sao? Đơn giản vì nếu phụ thuộc vào cảm xúc thì giá trị đích thực của chai rượu nằm ở chính thứ nước quý giá bên trong chai rượu sẽ bị lãng quên hoặc bị coi nhẹ. Khi phụ thuộc quá nhiều vào cảm xúc thì kể cả chúng ta uống rượu đế cũng có thể cho chúng ta cảm xúc gần bằng hoặc tương đương khi chúng ta thưởng thức một dram rượu ngon mà ngay cả các nhà làm rượu không phải lúc nào muốn cũng có thể làm ra được những chai rượu như vậy.

    Thêm một vấn đề nữa các bác cần lưu ý là nếu dựa vào cảm tính quá nhiều thì việc chia sẻ kinh nghiệm lại không còn quá quan trọng vì cảm xúc của mỗi người chưa chắc đã áp dụng được cho người khác.

  2. Các yếu tố lý tính

    Đây là các yếu tố mà ít hay nhiều chúng ta đều có thể cảm nhận hoặc nhìn thấy được. Các yếu tố này ít phụ thuộc vào vấn đề cảm xúc và thường đòi hỏi người uống có thời gian trải nghiệm, kỹ năng cũng như kinh nghiệm khi thưởng thức. Trong bài viết này em sẽ tập trung nhiều hơn vào các yếu tố lý tính và chia sẻ các kinh nghiệm cá nhân. Một điều em nhận ra rằng ngay cả khi sử dụng các yếu tố lý tính để đánh giá rượu thì các vấn đề cá nhân cũng có thể ảnh hưởng đến việc đánh giá. Ví dụ em không thích sulfure và nhiều woody và do vậy với các chai như vậy em không đánh giá cao. Tuy nhiên một số anh em thì lại không bị vấn đề này quá nhiều. Một ví dụ khác là bác Serge Valentine lại rất thích profile waxy của Brora và Clynelish nên thường có xu hướng chấm điểm cao hơn các chai này. Do vậy một điểm chúng ta cần xác định là không có sự tuyệt đối trong việc đánh giá một dram rượu là ngon hay không.

    Trong phần lớn các trường hợp, khi đã xây dựng được các yếu tố lý tính rồi thì việc đánh giá rượu đối với một cá nhân cụ thể (và một góc nào đó là cả cộng đồng whisky) sẽ ổn định hơn rất nhiều so với các yếu tố định tính và ít phụ thuộc vào cảm xúc. Do vậy việc đánh giá rượu trở nên khách quan hơn.

PHẦN 2: Thế Nào Là Một Dram Rượu Ngon?

Bản Đồ Hương Vị Rượu Whisky
Bản Đồ Hương Vị Rượu Whisky

Như đã nói ở trên, chúng ta tạm phân ra hai nhóm yếu tố để phân tích một dram rượu là ngon hay không: các yếu tố cảm tính và các yếu tố lý tính.

Chi tiết các yếu tố được sử dụng được mô tả dưới đây. Khi bắt tay vào viết em nghĩ là sẽ khá nhanh nhưng bắt đầu viết rồi mới thấy nó phức tạp hơn em tưởng vì việc lựa chọn từ ngữ và cách mô tả để mọi người cùng hiểu là không dễ dàng. Nhiều yếu tố em có thể cảm nhận được khi ngửi/nếm nhưng để mô tả bằng lời và định nghĩa thì khá khó khăn. Các bác cứ chia sẻ và cùng bổ sung/trao đổi nhé.

Bản Đồ Màu Rượu Whisky
Bản Đồ Màu Rượu Whisky
  1. Đánh giá bằng mắt (Quan sát)

    Trước tiên là về mầu sắc. Màu rượu có thể cho chúng ta biết loại thùng dùng để ủ whisky là thùng gì? Thùng ex-bourbon thường sẽ có màu vàng và nhạt hơn so với thùng ex-sherry. Thùng ex-port thường cho ra rượu có màu đỏ hơn so với hai loại thùng còn lại. Thùng plain (không được ủ loại rượu gì trước đó) thường có màu nhờ nhờ và nhạt so với các loại thùng khác.

    Màu sắc rượu cũng cho ta phỏng đoán rượu được ủ thùng 1st fill hay refill? Rượu ủ thùng 1st fill ex-sherry thường cho chúng ta màu rất đậm mà anh em hay nói là giống màu nước mắm. Rượu ủ thùng 1st fill ex-bourbon thường ra màu vàng đậm rất đẹp. Rượu ủ thùng refill, đặc biệt là 3rd hoặc 4th fill thường cho ra màu rượu nhạt hơn rất nhiều.

    Màu sắc cũng có thể nói cho ta biết về độ tuổi rượu. Cùng một loại gỗ và một loại thùng (1st fill hoặc refill) thì thường rượu ủ lâu hơn sẽ có màu đậm hơn.

    Vậy màu sắc chỉ có thể thôi à? Ừ thì biết là ủ BB thì màu nhạt và ủ sherry thì màu đậm hơn. Vậy thì màu nào được đánh giá cao hơn? Đối với cá nhân em thì màu sắc chỉ là yếu tố cảm xúc và dự báo/phỏng đoán/kỳ vọng chứ không tác động đến kết quả cuối cùng để đánh giá rượu. Nhìn chung thì một chai rượu màu hổ phách hoặc màu vàng đậm (giống màu mật ong) thường được thích hơn là màu rượu nhạt màu. Còn đối với các chai rượu màu đen/đậm như “nước mắm” đối với em là một dạng rủi ro thuộc hạng khá vì khả năng cao là rượu bị dominate bởi thùng nhiều quá và bị “một mầu”. Còn nữa, nếu chúng ta nhìn thấy một chai rượu mà màu của nó khác với thông tin được ghi trên nhãn, nó sẽ giúp chúng ta đưa các phỏng đoán. Chẳng hạn, nếu chúng ta thấy nhãn rượu ghi là thùng này được ủ trong thùng 1st fill sherry trong 25 năm nhưng thay vì thấy một màu hổ phách hoặc “nước mắm” thì chúng ta lại thấy màu rượu khá nhạt, vàng rơm. Với các chai rượu này thì phỏng đoán được đưa ra là thùng rượu không active èkhông kỳ vọng cao về chất lượng. Một lý do khác trong trường hợp này có thể là thùng này là thùng fino sherry (thường cho ra các loại màu sắc nhạt hơn so với thùng Oloroso hay PX).

    Còn nữa, khi chúng ta đánh giá rượu bằng mắt thì một yếu tố chúng ta cũng cần cân nhắc là xem “chân rượu”. Khi đưa rượu vào ly và đảo 1 vòng và đặt ly rượu xuống, rượu bám trên thành ly sẽ từ từ chảy xuống và tạo thành “chân rượu”. Nếu dram rượu nào có tốc độ chảy xuống chậm hơn và “chân rượu” dầy hơn thì chúng ta có thể phỏng đoán là rượu này có cốt rượu dầy hơn và sẽ kỳ vọng body rượu sẽ dầy hơn và oily hơn. Ngược lại nếu rượu chảy xuống nhanh hơn và “chân rượu” mỏng hơn thì chúng to có thể phỏng đoán cốt rượu mỏng hơn.

    Một yếu tố khác chúng ta có thể đánh giá bằng mắt đó là độ trong của rượu. Chúng ta đã biết đến thuật ngữ lọc lạnh vs. không lọc lạnh (non-chilled filter) thì bằng mắt thường trong một số trường hợp chúng ta có thể nhận thấy rượu không được trong suốt mà có một chút vẩn mà anh em hay gọi là “gầu”. Rượu nhiều gầu thường ám chỉ rượu không được lọc và có nghĩa chúng ta có thể thưởng thức toàn bộ những gì gọi là nguyên chất từ trong thùng gỗ sồi chắt ra. Em cũng như nhiều anh em thẩm SM thì thường thích chai nào nhiều gàu và/hoặc không lọc lạnh hơn là các chai trong leo lẻo.

    Một số người còn quan sát và đánh giá cả hình thức của chai/hộp rượu cũng như ly uống rượu và không gian uống. Chai/hộp đẹp, ly đẹp/sạch cũng như không gian thưởng thức rượu đẹp có thể cho chúng ta cảm giác tốt hơn. Tuy nhiên, đối với em các yếu tố này không góp phần vào việc một chai rượu có “ngon” hay không.

    Tóm lại đánh giá rượu bằng mắt (màu sắc rượu hoặc chân rượu) chỉ mang tính chất dự báo về rượu đó chứ không phải là một đảm bảo tuyệt đối về chất lượng rượu mà nhiều người hay ngộ nhận như “màu đậm hơn thì rượu sẽ ngon hơn”. Trong rất nhiều trường hợp thì màu rượu đẹp hơn nhưng hương/vị và hậu vị lại kém hơn rượu có màu nhạt hơn. Đối với cá nhân em khi chấm điểm rượu thì các yếu tố bằng mắt không được tính vào. Trong mọi trường hợp, việc đánh giá màu sắc chỉ có thể thực hiện chuẩn xác nếu như nhà đóng chai không cho thêm chất tạo màu.

  2. Đánh giá bằng tai (Nghe)

    Nghe có vẻ lạ nhưng cũng rất thực tế. Ngày nay phần lớn các whisky đều dùng nút bần để đóng chai. Trong các điều kiện bảo quản không tốt, nút bần có thể bị teo đi và dẫn đến hương rượu có thể bị bay đi thông qua bốc hơi hoặc rò rỉ. Khi mở một chai rượu ra nếu chúng ta nghe thấy một tiếng “pắc” chắc nịch giống như khi ta mở một chai Champagne tốt thì đó là tín hiệu của một chai rượu được bảo quản tốt. Nếu tiếng “pắc” này nhỏ nhẹ, thậm chí không nghe thấy tiếng và nút lỏng thì chúng ta có thể kỳ vọng chất lượng rượu đã bị ảnh hưởng so với ban đầu.Em có đọc ở đâu đó nói rằng đánh giá bằng tai bao gồm cả việc nghe âm thanh của rượu khi rót vào ly nhưng việc này ngoài tầm hiểu biết của em nên xin không bàn luận thêm.

    Tương tự như việc đánh giá bằng mắt, trong thang điểm của em việc đánh giá bằng tai cũng chỉ là để tham khảo và thêm các cảnh báo. Quan trọng nhất vẫn là hương, vị và hậu vị.

  3. Đánh giá bằng mũi (Ngửi)

    Sau khi thưởng thức rượu bằng tai và bằng mắt thì ta sẽ bắt đầu thưởng thức rượu bằng mũi thông qua việc nhận biết và khám phá các loại hương có trong rượu (aroma) và cảm nhận bằng mũi (nose feel). Một chai rượu ngon theo em sẽ có các tính chất được mô tả dưới đây liên quan đến hương. Việc mô tả các tính chất này khá khó nên em không đưa được ra một định nghĩa mang tính chất học thuật, chủ yếu em sẽ miêu tả các tính chất này theo cảm nhận cá nhân.

    Các hương rượu có nhiều tầng/lớp. Mỗi lần hít lại có một lớp các mùi khác nhau đem lại cho người uống sự kích thích tò mò. Khi đã ngửi hương lần thứ nhất thì muốn lần thứ 2, và cứ tiếp tục như vậy. Để phân biệt với việc khái niệm hương rượu biến đổi thì đối với em việc hương nhiều tầng lớp được diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn sau khi mở rượu ra (tối đa 3-5 phút). Nếu sau thời gian này rượu vẫn tiếp tục có các hương mới thì có thể coi đây là các loại rượu có hương biến đổi. Ở chiều ngược lại, một chai rượu sẽ kém ngon hơn nếu hương đơn giản, hít lần 1 hay lần 2 đều cho ra kết quả như nhau.

    Hương rượu biến đổi. Nhiều khi được sử dụng thay thế với khái niệm rượu nhiều tầng lớp nhưng cụ thể. Nó xuất hiện khi ta phát hiện ra các hương rượu khác nhau trong một khoảng thời gian dài (trên 5p). Một dram rượu sẽ kém ngon hơn nếu không thay đổi sau một khoảng thời gian. Tần suất gặp các chai rượu có hương biến đổi sẽ ít hơn rất nhiều tần suất gặp các chai rượu có hương nhiều tầng/lớp.

    Hương rượu phức hợp. Là loại rượu mà chứa đựng nhiều loại hương khác nhau. Một trong các ví dụ điển hình chính là hương chai Springbank 30yo millenium mới được tasting gần đây. Đối với các dram rượu này thực sự cần thời gian và sự tập trung để có thể ghi nhận được nhiều nhất các loại hương. Ở thái cực khác, rượu ít hương hoặc thậm chỉ hương không lên được gọi là hương rượu “phẳng” hoặc hương “lì”. Trong việc nhận biết các hương rượu, cần lưu ý rằng mũi mỗi người được cấu tạo khác nhau cũng như trải nghiệm cá nhân (các mùi mà từng cá nhân đã trải qua và ghi nhớ vào não) là khác nhau. Như cá nhân em rất nhạy cảm với sulfur, woody, meaty, vanilla nên thường nếu rượu chỉ có một chút mùi này em cũng dễ nhận ra. Hoặc ở ngoài Bắc (e không rõ các vùng khác) hay kho thịt dùng nước hàng (đường cháy) nên mình cũng dễ nhận biết được mùi này hơn. Trong khi đó mùi đường cháy có thể không quen thuộc với các bạn nước ngoài nhưng các bạn ý lại rất nhạy cảm với mùi của “blue cheese”. Do đó việc một người nhận biết được hương này và người khác không nhận biết được là một điều hết sức bình thường. Nếu như anh em ngồi uống với nhau theo một nhóm thì người nọ có thể “phím” cho người kia các mùi mình nhận thấy và ngược lại để bổ sung/hỗ trợ cho nhau.

    Hương rượu dầy. Là hương mà khi ta hít sâu bằng mũi thì hương vào mũi thì có cảm giác hương lên kín mũi và tỏa ra ngào ngạt. Thường các chai rượu được đóng ở độ cồn cao hoặc Cask Strength sẽ có hương rượu dầy hơn so với các chai rượu ở độ cồn tiêu chuẩn (40, 43%). Ngược lại với hương rượu “dầy” là hương rượu “mỏng”. Vụ dầy/mỏng này mô tả bằng lời khá khó nhưng nếu các cụ cứ lấy một chai rượu có nồng độ cao (ví dụ Aberlour Abunach) và so với một chai có độ cồn tiêu chuẩn (ví dụ Aberlour 10) thì cảm nhận sẽ rõ hơn.

    Hương rượu cân bằng. Là các dram rượu mà không có bất kỳ một loại hương nào lấn át/đè các loại hương khác. Một dram rượu có hương cân bằng cho phép các loại hương cùng nhau “tỏa sáng” và được tiếp cận bởi người ngửi. Một dram rượu có một hoặc 2 loại hương quá mạnh mẽ lấn át hết các loại hương khác sẽ không được gọi là hương cân bằng. Tất nhiên không thể có sự cân bằng tuyệt (toán học) đối trong dram rượu. Điều quan trọng nhất là người ngửi cảm thấy hài lòng và ngửi được các hương vị các nhau một cách rõ ràng. Thường một dram rượu sẽ có một số hương nổi trội hơn các loại hương khác nhưng không lấn át/đè các loại hương khác. Trường hợp này vẫn có thể coi là hương rượu cân bằng.

    Hương rượu ưa thích (pleasant nose). Một dram rượu có thể có hương phức hợp, biến đổi nhưng không được coi là “ngon” nếu chứa các hương mà người uống không thích, đặc biệt là nếu hương này lại trội hơn so với các hương khác. Em đã từng uống các dram rượu có mùi xà phòng, dầu luyn, sulfur, i-ốt là các các mùi cá nhân em rất không thích. Mà đã không thích thì không thể coi là ngon được. Một ví khác là đối với Bowmore vintage 198x thường bị các connoiseur thế giới đánh giá không cao do có mùi “perfume” kiểu như nước hoa rẻ tiền. Do vậy một dram rượu ngon cần phải đi kèm với các loại hương mà mình cảm thấy dễ chịu.

    Hương rượu bền. Một số chai rượu có thể có hương rất phức hợp và nhiều tầng lớp nhưng sau khi rót ra được một thời gian ngắn và ngửi lớp hương ban đầu thì hương rượu trở nên mỏng hơn, nhạt hơn và không giữ được như lúc ban đầu. Một trong các ví dụ là chai Glenrothes 1971 G&M. Ở chiều ngược lại, có một số dram rượu mà hương giữ được rất bền, thậm chí sau 30-60 vẫn giữ được như lúc đầu, thậm chí còn biến đổi. Các dram rượu như vậy được đánh giá tốt hơn các dram rượu mà hương bay đi nhanh chóng. Viết đến đây là nhớ đến chai Springbank 33yo Pear Shape uống cách đây mấy năm, một trong các dram rượu có hương bền nhất em đã từng uống.

    Ngoài các yếu tố trên thì có một số thuật ngữ anh em hay dùng với nhau để mô tả về rượu nhưng không nhất thiết ảnh hưởng đến việc ngon/không ngon của một dram rượu.

    Hương rượu nảy: Là các dram rượu mà chỉ cần mũi lướt qua ly là đã nắm bắt được rồi. Có cảm giác các hương này chủ động nổi lên và chỉ chờ mũi lướt qua là sẽ bay ngay vào mũi.

    Hương rượu trầm: Ngược lại với hương rượu nảy là các dram rượu có hương trầm hơn. Người ngửi buộc phải hít sâu, chậm và tập trung mới có thể ngửi thấy. Đối với cá nhân em việc hương nảy hay trầm không ảnh hưởng đến điểm số của các dram rượu. Đối với các dram rượu có gam trầm hơn thì chú ý cần phải hít sâu hơn, chậm hơn và tập trung hơn.

    Hương rượu tươi: Là các gam hương vị trẻ trung như lê, táo xanh, chanh. Các gam hương rượu tươi cho ta cảm giác rượu trẻ trung, active hơn so với các gam hương rượu “trầm” như hương hoa quả chín, các loại mứt, da thuộc, tobaco, gỗ….. Đối với cá nhân em thì có sự khác biệt rõ khi mô tả hương rượu “tươi” với “nảy” như mô tả ở phía trên. Về mặt đánh giá, hương rượu tươi chưa chắc đã được đánh giá cao hơn hương rượu trầm. Hay nói cách khác, đây chỉ là một thuật ngữ mô tả tính chất rượu mà thôi. Có thể có người thích rượu tươi nhưng cũng có người thích rượu trầm. Nếu tìm được một dram rượu cao/rất cao tuổi (được kỳ vọng với các loại hương rượu trầm) nhưng lại có các hương rượu “tươi” hơn, trẻ hơn so với tuổi của nó thì có thể dram rượu này sẽ được đánh giá cao hơn.

    Hương rượu mềm Là cảm giác khi mũi ngửi các dram rượu với các loại hương khá nhũn. Thỉnh thoảng em gặp các loại hương này ủ trong thùng sherry. Nó không tươi tắn không khỏe khoắn, không cay, không đầy đặn trong khoang mũi.Trên đây là một số yếu tố lý tính để đánh giá một chai rượu ngon xét về hương. Viết dài là vậy nhưng thực tế khi đã uống nhiều và có các kỹ năng thì người uống sẽ tự động có thể tổng hợp và cập nhật lại. Do có nhiều yếu tố cần đánh giá như vậy nên các bác cũng cần dành đủ thời gian để ngửi rượu cho bõ công săn tìm/mua rượu, đặc biệt là các chai rượu quý/hiếm, mất công săn lùng.

  4. Đánh giá bằng mồm (Nếm)

    Sau khi sử dụng mũi, chúng ta cần sử dụng mồm để đánh giá một dram rượu. Việc sử dụng mồm sẽ bao gồm cả lưỡi và toàn bộ khoang miệng. Khi nếm rượu thì ngoài hai yếu tố chính tương tự như khi ngửi rượu là các yếu tố về vị của rượu (flavour) và cảm nhận rượu ở trong mồm (mouth feel) thì phần nếm còn một yếu tố nữa là “hậu vị” (finish/after taste). Khái niệm mouthfeel (cảm nhận rượu ở trong mồm) nhiều khi cũng được gọi là body rượu. Trong phần dưới đây, em xin được gọi body rượu, ám chỉ các cảm nhận cá nhân về rượu ở trong khoang miệng. Một chai rượu ngon, theo em, sẽ có các tính chất sau khi ta nếm rượu. Các yếu tố này được áp dụng với khá nhiều nếu không muốn nói là phần lớn những người nếm rượu.

    Vị rượu phức hợp: Là các dram rượu cho ta rất nhiều vị khác nhau. Mặc dù theo thống kê em đọc đâu đó thì số lượng các loại vị rượu mà chúng ta có thể nếm được ít hơn khá nhiều số lượng các loại hương mà chúng ta có thể ngửi được nhưng điều đó không ngăn cản việc một dram rượu ngon cho chúng ta khám phá nhiều vị rượu. Trái ngược với các dram rượu phức hợp là các dram rượu có rất ít vị khi được nếm, các dram rượu như vậy thường được đánh giá là “đơn giản” và không được điểm cao.

    Body rượu cân bằng: Tương tự như khi mô tả sự cân bằng về hương, một body rượu cân bằng khi không có các loại vị nào quá nổi trội và lấn át các vị rượu còn lại. Một chút cay, một chút ngọt, một chút khói, một chút chua, một chút ít đất…. Các vị rượu nối tiếp nhau và bổ trợ cho nhau. Nếu anh em đã nếm các dram rượu Octomore 4.1 hoặc 4.2 thì có thể thấy rượu tính cay và khói đậm đặc của dram này nổi trội và át đi các vị rượu khác. Hay nếu anh em đã nếm một số loại rượu ủ thùng PX thì có thể thấy là vị rượu quá ngọt. Cũng cần lưu ý rằng khái niệm “cân bằng” là một khái niệm mang tính cá nhân và tùy thuộc vào khẩu vị của mỗi người. Giống như có người thích ăn mặn hơn, có người thích ăn nhạt, lại có người thích ăn ngọt hơn. Với một người thích đồ ngọt hơn thì chỉ giới hạn “ngọt” trong ngưỡng cân bằng của họ sẽ cao hơn so với một người không thích ăn đồ ngọt.

    Body tròn/dầy: là cảm giác một dram rượu: (i) được phủ đều trong khoang miệng (coating); (ii) mang lại cảm giác ấm áp (warm); (iii) có cảm giác rượu khá dính (viscous) chứ không phải rời rạc; (iv) có mức độ tập trung của rượu; (v) có sự cân bằng của các loại vị khác nhau. Một dram rượu không cân bằng khó có thể là một dram rượu có body tròn dầy. Các dram rượu có body tròn/dầy sẽ được đánh giá cao nhất. Các dram rượu không tròn/dầy được gọi là có body mỏng.

    Hậu vị dài: sau khi ta nuốt rượu thì đừng nên uống nước ngay. Hãy để cổ họng chúng ta lưu lại các cảm giác khi rượu được nuốt. Cảm giác này được đo lường bởi các loại vị đọng lại ở cổ họng và thời gian các loại vị này đọng lại. Thường các loại rượu có hậu vị dài sẽ được coi là ngon ngon hơn. Có nhiều dram rượu mà các vị đọng lại có thể được đến 30-60 phút. Cá biệt, Charles MacLean có mô tả một dram rượu Dalmore chưng cất năm 1893 có vị mật mía kéo dài trong cổ họng đến tận sáng hôm sau.

    Các vị ưa thích: tương tự như hương, vị của rượu sẽ được đánh giá cao hơn nếu bao gồm những vị được ưa thích. Ngược lại nếu có các loại vị không được ưa thích, các dram rượu sẽ bị đánh giá kém hơn.

    Các vị rượu lạ: Theo thống kê, mặc dù số lượng các loại hương/vị của whisky có thể không được đa dạng như vang nhưng Malt Whisky cũng có một số các loại hương vị đặc biệt/lạ. Thế nào là vị lạ? Đó là các loại hương/vị mà chúng ta không kỳ vọng nhưng lại xuất hiện. Khi chúng ta nhìn và ngửi rượu, màu sắc của rượu và hương của rượu sẽ cho chúng ta một kỳ vọng về vị của rượu. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, vị của rượu có sự khác biệt với các kỳ vọng ban đầu của chúng ta khi chúng ta nhìn và ngửi. Kỳ vọng cũng có thể đến khi chúng ta đã nắm được khá rõ profile của một nhà rượu nhưng khi tasting thì lại có các hương/vị mà không kỳ vọng nhà rượu đó có. Trong một số trường hợp khác, rượu sẽ có các vị mà ít khi chúng ta gặp khiến mà vị đó khiến chúng ta phải thốt lên. Các trường hợp như vậy thường được đánh giá cao hơn.

    Ngoài ra có một số thuật ngữ em hay dùng để mô tả các tính chất của rượu nhưng không nhất thiết phải là một yếu tố quyết định đến yếu tố rượu ngon hay không vì phụ thuộc khá nhiều vào cá nhân.

    Sạch: là cảm giác đọng lại sau khi đã nuốt rượu. Cảm giác rất sạch sẽ trong khoang miệng, không bị “dính”, không có các vị “mạnh” như các vị khói, các vị hoa quả chín. Cảm giác “sạch” thường được thấy đối với các loại rượu ủ trong thùng ex-bourbon.

    Khô*: là cảm giác trong khoang miệng sau khi kết thúc. Có một số loại whisky sau khi nuốt sẽ làm cho lưỡi ta có cảm giác sẽ lại. Ngược với cảm giác này là khi ta nếm các loại rượu mà body và hậu vị rượu ngọt. Khi ta ngậm trong mồm, nước miếng có thể túa ra (giống cảm giác nước miếng chảy ra khi ta thèm một món đồ ăn nào đó). Chai Ingower Manager Choice là một trong những chai cho cảm giác “chảy nước miếng”.

    Tấn công: ám chỉ các dram rượu mà ngay khi vào trong khoang miệng thì đã tiếp cận với các tế bào ở lưỡi, khoang miệng với các hương vị phong phú và đặc biệt là vị cay. Các dram rượu này thường là các dram rượu được cho là có cá tính. Ai không quen sẽ không thích loại này. Thường loại này không dành cho những người mới uống hoặc ít uống rượu cask strength.

    Dịu dàng, trơn mượt: mô tả tính chất các dram rượu được trưởng thành tốt, các yếu tố cay nồng của rượu trẻ được khắc chế, rượu không bị nóng và có cảm giác ấm và trơn/tròn/mượt trong vòm miệng. Cảm giác này khá ngược với các dram rượu có tính chất “tấn công”.

    Rượu có cá tính: là rượu có một hoặc một số profile nổi trội đối với hương và/hoặc vị. Các hương/vị nổi trội này có thể là các loại hương vị được ưa thích hoặc không được ưa thích nhưng rõ ràng đó là tính trội. Rượu không có cá tính là rượu mà người thử rượu không nhận thấy có bất kỳ một đặc trưng nào cả. Về mặt đánh giá, tùy từng khẩu vị của mỗi người mà người ta sẽ đánh giá cao hơn các dram rượu có cá tính hay trung tính. Giống như đàn ông có người thích các cô gái có cá tính mạnh trong khi đó một số lại thích các cô gái đều đều, thùy mị nết na nhưng không có điểm gì trội cả. Đối với rượu, em thích các dram rượu có cá tính hơn.

Tổng kết Chương 2

Việc đánh giá rượu ngon hay không phụ thuộc vào hai yếu tố chính là ngửi rượu và nếm rượu. Đối với việc ngửi và nếm rượu, ngoài việc nhận biết được các loại hương và vị khác nhau, điều quan trọng là người thử/nếm rượu cần cảm nhận được hương rượu (nose feel), body rượu (mouth feel) và hậu vị và mức độ hài hòa, cân bằng tổng thể của dram rượu. Các yếu tố khác như nghe rượu và nhìn rượu chỉ giúp đưa ra các phỏng đoán và trong một chừng mực nào đó có thể là điểm +/- đối với một dram rượu. Quan trọng nhật đối với người nếm thử rượu vẫn là các trải nghiệm và rèn luyện cá nhân.

PHẦN 3: Lượng Hóa Ngon/Không Ngon

Dựa trên các đánh giá ở phần 2, các bác sẽ có các đánh giá riêng của mình về việc một dram rượu là ngon hay không ngon. Nếu xét trên yếu tố đơn lẻ, bác chỉ uống 1 hoặc vài dram thì không nói vì bác có thể nhớ được khá nhiều các hương vị và có thể tự so sánh giữa các loại với nhau. Vậy nếu các bác bắt đầu uống từ cỡ 30-40 loại whisky khác nhau thì câu hỏi đặt ra là cùng hai chai rượu ngon hoặc không ngon nhưng chai nào ngon hơn theo khẩu vị của mình (bỏ qua các vấn đề về cảm xúc)? Lúc đó các bác sẽ đặt vấn đề cần lượng hóa việc ngon hay không ngon của một dram rượu để có thể đánh giá được chi tiết và kỹ lưỡng hơn độ ngon/không ngon giữa các chai. Tất nhiên nếu các bác không quan tâm đến việc so sánh giữa các dram rượu khác nhau mà chỉ quan tâm cụ thể đến một hoặc một vài dram rượu có ngon hay không thì các bác có thể bỏ qua phần lượng hóa ngon/không ngon. Vậy lượng hóa như thế nào?

Xung quanh ta mọi người lượng hóa thế nào?

Việt Nam là nước đi sau về whisky nên ta sẽ tìm hiểu các connoiseur trên thế giới họ lượng hóa thế nào? Trên thực tế có nhiều trường phái lượng hóa như:

  • Lượng hóa sử dụng thang điểm 100 nhưng không phân biệt các cấu phần nhỏ trong đó (ví dụ: SV của whiskyfun, whiskybase, Ruben của whiskynotes.be, Scotchwhisky.com, whiskyadvocate.com)
  • Lượng hóa sử dụng thang điểm 100 nhưng chia ra các cấu phần nhỏ: hương, vị, hậu vị, cân bằng… Ví dụ Jim Murray cho tối đa 25 điểm cho mỗi cấu phần nói trên hoặc allthingswhisky.com chia tỷ lệ tương ứng là 30/25/20/25.
  • Lượng hóa sử dụng sao trong đó 5 sao là cao nhất. Ví dụ whisky.com, masterofmalt.com…
  • Lượng hóa sử dụng hệ thống xếp hạng giống xếp hạng tín dụng: A+, A, B+… Ví dụ: thewhiskeyjug.com
  • Lượng hóa sử dụng thang điểm 10.

Vậy dùng thang điểm nào để lượng hóa?

Mỗi thang điểm đều có ưu/nhược điểm khác nhau. Cá nhân em sử dụng thang điểm 100 khi lượng hóa các đánh giá của mình với các lý do sau đây:

  • Thang điểm 100 được sử dụng rất phổ biến và dễ dàng có thể so sánh, đánh giá. Nếu như cách đây 5-7 năm khi whiskybase chưa có được cơ sở dữ liệu tốt và số lượng người tham gia lớn như bây giờ thì whiskyfun được coi là một nguồn tham khảo tốt khi muốn tìm các thông tin đánh giá về chai rượu. Ngày nay có khá nhiều các nguồn mở để anh em tìm hiểu các đánh giá rượu ngoài whiskyfun như whiskynotes.be, scotchwhisky.com (mới đóng cửa tháng 10/2019), whiskybase.com… Đây là các nguồn rất uy tín và phần lớn trong số họ để sử dụng thang điểm 100.
  • Thang điểm 100 dễ dàng được sử dụng để so sánh và ít định kiến hơn các thang điểm khác như hệ thống chấm bằng sao (5 sao là cao nhất), hệ thống chấm kiểu xếp hạng tín dụng: A+, A, A-…Khi cần phân biệt giữa hai chai rượu mà mức độ khác biệt rất nhỏ thì trên thang điểm 100, chúng ta chỉ cần 1 điểm khác biệt là có thể nhận biết chai nào được đánh giá cao hơn. Trong khi đó trên hệ thống 5 sao hoặc A+, A, A- việc phân biệt này là rất khó khăn nếu như không muốn nói là không thể trừ phi đọc kèm theo tasting notes.

Trong thang điểm 100, hiểu thế nào cho đúng?

  • Đối với em, việc cho điểm là một cách em ghi chép cho cá nhân và ở một góc độ nào đó là thông tin ra bên ngoài về chất lượng/độ ưa thích của cá nhân em đối với một dram whisky cụ thể. Bản chất đây là một cách để nói về việc em thích hay không thích một dram rượu ở mức độ nào.
  • Điểm số luôn cần được đọc kèm tasting notes (nếu có). Khi đánh giá về một dram rượu thì nếu không có thời gian và muốn đánh giá nhanh thì chỉ cần nói chai này khá đấy, 83 điểm hay chai này ngon đấy, 90 điểm hoặc chai này kém lắm, chỉ 75 thôi… Tuy nhiên, nếu có nhiều thời gian hơn, hẳn các bác cũng muốn lưu lại xem tại sao dram này chỉ có 75 mà dram kia lại được 90 điểm hay hai chai cũng được đánh giá là 85 điểm thì có giống nhau hay không? Trong trường hợp này, các tasing notes (hay các ghi chú nếm thử rượu) sẽ rất hữu ích. Nó chính là bản mô tả của việc tại sao một người đánh giá lại cho chai rượu đó điểm số đó. Khi đọc các tasting notes, ngoài các mô tả về hương/vị, các bác đặc biệt cần lưu ý đến các ghi nhận về nose feel/mouth feel cũng như hậu vị. Đây chính là các yếu tố quyết định rất nhiều đến việc đánh giá một dram rượu.
  • Vậy với thang điểm 100 thì các mức điểm khác nhau được hiểu thế nào? Mỗi người sẽ có một cách hiểu khác nhau. Cách em áp dụng như sau:

– Huyền thoại – 95 điểm trở lên (thường các dram rượu đạt được từ 95 điểm trở lên chỉ đếm trên đầu ngón tay). Trong số các dram em được uống chắc chỉ có 1-2 chai được 95 điểm. Các dram rượu được 95 điểm ngoài việc hội tụ đủ các yếu tố về sự phức hợp, cân bằng, body tròn, hậu vị dai dẳng thì thường phải kèm theo các yếu tố “bất ngờ” khiến người thử phải “ồ”, “à”. Các dram rượu này em sẽ cố gắng thử ít nhất 1 lần trong đời (tất nhiên là với chi phí trong mức cho phép). Nếu điều kiện cho phép, mua ít nhất một chai.

– Xuất sắc: Từ 90-94 điểm: là các dram rượu cũng phải hội tụ đủ các yếu tố làm nên một dram rượu ngon như mô tả phía trên. Nếu từ 92-94 thì cần có thêm một chút yếu tố bất ngờ và các mức độ cân bằng và phức hợp phải ở mức độ khá hoàn hảo. Nếu điều kiện cho phép, mua ít nhất một chai. Không phải lúc nào cũng có thể mở các chai rượu như vậy.

– Tốt: 85-89 điểm: là các dram rượu đạt được khá nhiều yếu tố để cấu thành rượu ngon nhưng các mức này chưa đạt được mức tuyệt hảo. Các dram rượu thiếu hoặc yếu ở một/một vài khía cạnh nào đó nhưng không đáng kể. Là các dram rượu đáng dành thời gian để thẩm một cách nghiêm túc.

– Khá: 80 – 84 điểm: là các dram rượu có một vài yếu tố để cấu thành rượu ngon nhưng cũng có một vài điểm yếu khá rõ rệt. Các dram rượu này có thể làm daily dram.

– Trung bình: 70 đến 79 điểm. Là các dram rượu có các điểm yếu khá rõ rệt ở nhiều khía cạnh.

Kém: 60-69 điểm. Là các dram rượu không bao giờ muốn uống lại.

Rất kém: Dưới 50 điểm. Có thể loại các dram rượu này ngay khi ngửi mà không cần uống. Cố gắng tránh xa các dram rượu này nhất có thể.

Vậy ta nên bắt đầu từ đâu?

Đọc từ đầu đến giờ chúng ta thấy có lẽ cũng không quá phức tạp nhỉ? À, bắt đầu bằng mắt, sau đó đến tai rồi mũi và đến mồm. Chai nào rất ngon thì ta cho trên 90 điểm, chai nào tốt thì từ 80 còn chai nào kém quá thì 60 hoặc có khi còn 50. Nhưng vấn đề đặt ra là nếu ta chưa bao giờ đánh giá hoặc mới chỉ làm quen với một vài dram thì đánh giá thế nào? Em xin có một vài gợi ý như sau.

  • Hãy xác định các chai tham chiếu đối với mỗi loại rượu và tính chất rượu. Con đường “khởi nghiệp” của em đối với từng loại whisky như sau:

– Đối với các rượu thuần bourbon thì em chọn chai tham chiếu là Balblair 2000 (trước đây rất sẵn. Giờ thì hiếm lắm rồi) với profile bourbon đặc trưng. Chai này em đánh giá ở cận dưới của mức tốt (85 điểm)

– Đối với các rượu sherry thuẩn em chọn Mac 12 hoặc Glendronach 12 làm tham chiếu (mức khoảng 85 điểm)

– Đối với các chai rượu khói bourbon và thanh, em chọn Caol ila 12 làm tham chiếu (mức 86 điểm)

– Đối với các chai khói bourbon nhưng mạnh mẽ và có tính iot cao em chọn Laphroaig 10 làm tham chiếu (86 điểm)

Ngoài ra các bác có thể chọn rượu tham chiếu cho từng loại tính chất như hậu vị dài, hương nhiều tầng lớp, biến đổi, tính cân bằng…

  • Sau đó các bác hãy nếm, thử các chai tham chiếu này thật nhiều lần để làm quen với các tính chất của nó.
  • Tiếp theo các bác hãy đánh giá sự thích thú của các bác với chai này theo thang điểm 100 như gợi ý ở trên. Trong khi các bác cho điểm, các bác có thể tham khảo điểm số của chai rượu tham chiếu này với: (i) điểm đánh giá trên các website uy tín cùng sử dụng tham điểm 100 như nêu ở trên; (ii) điểm đánh giá của các connoiseur đã được thừa nhận; (iii) điểm đánh giá của những người mình đã có kinh nghiệm và đã tiếp xúc trực tiếp và các bác tin tưởng họ. Tốt hơn nữa nếu những người này phân tích cho các bác biết tại sao chai đó lại xứng đáng điểm số như vậy.
  • Sau khi đã có tham chiếu rồi, các bác hãy so sánh các chai mà các bác định đánh giá với các chai tham chiếu này vào cho điểm tương ứng (cao hơn nếu thích hơn và thấp hơn nếu không thích).

Tất nhiên đánh giá rượu không phải là việc 1+1=2 nhưng nếu chúng ta có phương pháp và thực hành nhiều chắc chắn sẽ có kết quả.

Tổng Kết Chương 3

Rất may mắn, đa số các dram rượu em đã thử (ít nhất 90%) đều từ mức khá trở lên. Ngay cả khi một dram rượu được đánh giá ở mức 80/81 điểm thì cũng không nên nghĩ rằng đây là một chai rượu dở. Chắc chắn có một yếu tố nào đó đáng được ghi nhận ở các chai rượu như vậy. Việc lượng hóa các đánh giá được khuyến khích để có thể tạo thói quen so sánh, đánh giá khi thưởng thức rượu. Tuy nhiên, việc lượng hóa rượu luôn nên đi kèm với các ghi chú nếm thử một cách đầy đủ và nhất quán. Hãy hiểu đúng và sử dụng điểm không ngoan nhất.

Chú Thích (*):

  1. Cảm giác KHÔ miệng sau khi uống một số dram whisky là có tồn tại. Nó được mô tả trong bài gốc và được diễn tả nôm nó giống như khi ta miêu tả “khát khô cổ”. Tất nhiên mức độ “KHÔ” sau khi thưởng thức một dram whisky khó có thể giống như trường hợp ta đi giữa mùa hè mà không được uống nước. Ở góc độ tiếng Việt, em tin rằng dùng từ KHÔ là chuẩn xác với những gì em đã mô tả.
  2. Cảm giác KHÔ này trong tiếng Anh được mô tả như thế nào? Có phải là Dry hay không? Cái này em chưa có câu trả lời chắc chắn mặc dù đọc cũng khá nhiều. Tuy nhiên em có một số thông tin có thể chia sẻ thêm với anh em

– Thuật ngữ “Dry” có vẻ được xuất phát từ rượu vang. Rượu vang được làm từ nho và sự khác nhau giữa các giống nho và vùng đất ảnh lớn đến lượng đường trong quả nho và tiếp đến là lượng đường trong rượu. Do đó thuật ngữ “Dry” được sử dụng phổ biến khi mô tả về rượu vang.

– Whisky là một loại đồ uống đi sau vang và bia khá nhiều. Do đó, rất nhiều thuật ngữ được vay mượn từ vang và bia để mô tả tính chất của whisky. Tuy nhiên, càng về sau người ta thấy rằng việc sử dụng các thuật ngữ của vang và bia để mô tả whisky rất khiên cưỡng. Cho đến tận cuối những năm 1970 (chính xác là 1979) thì Pentlands Scotch Whisky Research mới lần đầu tiên nghiên cứu và công bố một bản đồ hương vị dành riêng cho whisky. Đó chính là tiền thân của tasting wheel của whisky Magazine. Một giả định em đưa ra là khái niệm “dry” trong whisky cũng được bắt nguồn từ rượu vang nhưng chưa chắc đã hoàn toàn phản ánh đúng tính chất của whisky.

– Trong các tài liệu em đọc thì có tài liệu định nghĩa “dry” trong whisky. Dịch nôm là ” Dry là cảm nhận tổng quan về tính khô (làm se lại) ở một mức độ chấp nhận được. Đây là định nghĩa do Charles MacLean, một cây viết nổi tiếng về whisky, đưa ra trong cuốn Malt Whisky.

– Cũng nói về tính khô khi mô tả whisky thì em thấy thuật ngữ Astringency được sử dụng phổ biến hơn.

Câu Hỏi Thường Gặp

Nguồn gốc của từ dram là gì?

Từ dram có thể bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp drakhme có nghĩa là tiền xu, nhưng nhiều khả năng có nguồn gốc từ tiếng latin dragme hoặc dragma.

Một dram nhỏ là gì?

Theo nghĩa đen, điều này có nghĩa là một phần rượu whisky, mặc dù chúng thường được rót một cách tự do. Thuật ngữ thú vị này bắt nguồn từ Scotland và là một biến thể của một loại ‘đồ uống nhẹ’.

Một dram có giống như một shot không?

Không có shot nào là đơn vị đo lường tiêu chuẩn trong khi dram (liên quan đến rượu) chưa bao giờ là đại lượng được phục vụ chính thức.

> Khám phá thêm nhiều mẫu Rượu Whisky

> Khám phá thêm nhiều mẫu Rượu Brandy

Năm mới sắp đến, chúc cả nhà có những “DRAM” tuyệt đẹp.

Bài Viết Được Tổng Hợp Từ Nhiều Nguồn Tham Khảo Trên Internet:

Bài viết của Nguyễn Viết Thịnh (2020)

Bài viết của Giọt Quỳnh Tương (2022)