Tạo Sao Rượu Whisky Ngày Nay Lại Khác Xưa (Rượu Được Chưng Cất Từ Nửa Đầu Thập Niên 1980s Trở Về Trước)?

Lúa Mạch

Để trả lời câu hỏi Tại Sao Rượu Whisky Nay Khác Xưa? thì chỉ bằng một vài câu là không đủ. Sự khác biệt đến từ cả một quá trình làm rượu nên để giải đáp được câu hỏi này, ta cần phải lần lượt đi từ đầu, từ lúc chọn lúa mạch làm malt cho tới lúc rượu đóng vào chai. Về cơ bản, quá trình làm Scotch malt whisky trải qua các công đoạn như sau:

Chọn lúa mạch:

Barley
Barley

Từ giữa thập niên 1960s tới giữa thập niên 1980s là thời kỳ thống trị của loại lúa mạch Golden Promise. Giống lúa này được cho là ít tinh bột, nhiều protein, nitrogen và các loại acid và chúng được cho là yếu tố quyết định tạo nên nhiều loại hương vị đặc biệt của rượu. Rượu chưng cất từ malt làm từ loại lúa mạch Golden Promise này được cho là rất dày, béo, giàu vị, sulfur và phức hợp hơn.

Giữa thập niên 1980s là giai đoạn mà nhiều nhà chưng cất tại Scotland bị phá sản và buộc phải đóng cửa do nhu cầu sụt giảm, ví dụ như nhà chưng cất Tomatin phải đóng cửa vào năm 1984 như đã được đề cập trong post về chai Tomatin 30 Edition 2011 trước kia.

Trong hoàn cảnh đó, loại lúa mạch Golden Promise năng suất thấp và đắt tiền kia rất nhanh chóng bị thất sủng. Thay thế vào đó là các giống lúa mới cho năng suất cao hơn và rẻ hơn. Các loại lúa này có đặc điểm chung là hàm lượng tinh bột cao hơn nhưng ngược lại, hàm lượng protein, nitrogen và acids lại thấp khiến chúng dễ lên men hơn, thời gian lên men ngắn hơn và cuối cùng là cho ra nhiều rượu hơn. Tuy nhiên, rượu nấu từ chúng lại nhẹ, ít vị và kém phức hợp hơn so với loại rượu nấu từ lúa mạch Golden Promise. Cùng với các yếu tố khác, việc sử dụng loại lúa mạch siêu năng suất khiến rượu làm ngày nay mất đi nhiều hương vị mà đàn anh của chúng thời 1980s trở về trước đã từng có.

Ngày nay đâu đó ta thấy một số nhà có sử dụng thuật ngữ “Local Barley”, ví dụ như Springbank. Loại lúa mạch mà họ dùng cho dòng rượu Local Barley được trồng tại Cambelltown và vì thế nó được gọi là “local barley”. Cụ thể thì là giống lúa mạch Belgravia, một loại lúa siêu năng suất được cả các nhà làm rượu malt và rượu grain yêu thích và sử dụng rộng rãi thuộc dạng bậc nhất bởi nó có hàm lượng tinh bột cao, protein and nitrogen thấp, dễ lên men và cho sản lượng cồn rất cao, hơn 420L từ 1 tấn malt.

Lên men:

Wort
Wort

Là quá trình ủ, lên men malt để cho ra dung dịch rượu nhẹ hay còn gọi là wash. Có 4 yếu tố quan trọng trong quá trình này là men, thùng chứa hỗn hợp lên men, độ dài thời gian lên men và độ cồn của rượu nhẹ.

  • Đầu tiên là về men. Về cơ bản các nhà chưng cất sử dụng 3 loại là men rượu (distiller’s yeast), men bánh (baker’s yeast) và men bia (brewer’s yeast) để lên men malt. Men rượu và men bánh giúp quá trình lên men được rút ngắn và cho sản lượng cồn cao hơn. Men bia ngược lại, thời gian lên men kéo dài và cho ít cồn hơn nhưng bù lại là cho hương vị dày, giàu và phức hợp hơn.

Ngày trước, khá nhiều nhà chưng cất dùng men bia hoặc sử dụng cả 3 loại men bia, men bánh và men rượu để lên men khiến quá trình lên chậm hơn, cho ra dung dịch rượu nhẹ có độ cồn thấp hơn nhưng lại dày và giầu hương vị hơn. Càng nhiều loại men khác nhau được dùng, hương vị của hỗn hợp lên men được cho là càng dày, giàu vị và phức hợp hơn.

Ngày nay, hầu hết các nhà chưng cất sử dụng các loại men rượu thế hệ mới, giúp rút ngắn thời gian lên men và cho ra lượng cồn tối đa.

  • Thứ hai là về thời gian lên men. Thời gian lên men càng lâu, thành phẩm sau lên men là dung dịch rượu nhẹ được cho là càng dày, giàu vị và phức hợp. Lúc trước, việc dùng malt làm từ lúa mạch Golden Promise và các loại men rượu, men bánh và men bia thế hệ cũ khiến quá trình lên men có thể lên tới 70 giờ. Ngày nay, quá trình lên men các loại malt làm từ lúa mạch siêu năng suất với sự trợ giúp của các loại men rượu thế hệ mới được rút ngắn một cách đáng kể.
  • Thứ ba là độ cồn của cung dịch rượu nhẹ: Sau lên men, độ cồn của rượu nhẹ càng thấp thì được cho là có hương vị càng dày, giàu và phức hợp hơn. Lúc trước, độ cồn trung bình cao nhất của ngành được cho là khoảng 9.5%, cá biệt có nhà chỉ 6% và 7.5%. Tuy nhiên, độ cồn càng thấp thì thời gian và chi phí nhiên liệu cho quá trình chưng cất sau này sẽ kéo dài và tốn kém chi phí nhiên liệu để đốt hơn. Ngày nay, độ cồn trung bình được cho là 14% còn 9.5% đã được coi là thấp rồi.
  • Thứ tư là thùng lên men. Lúc trước, hầu hết các nhà chưng cất sử dụng loại thùng làm bằng gỗ sồi Tây Ban Nha để làm nơi cho quá trình lên men diễn ra. Nhược điểm của nó là khó kiểm soát nhiệt độ và giữ vệ sinh nhưng bù lại, nó là nơi lưu giữ những lợi khuẩn từ các đợt lên men trước đó và hiện tại. Những lợi khuẩn truyền thừa này được cho là góp phần đóng góp để tạo ra và duy trì các hương vị đặc trưng và độc đáo của từng nhà chưng cất.

Ngược lại, ngày nay hầu hết các nhà chưng cất đều bỏ đi các thùng gỗ và thay bằng các thùng làm từ inox để làm nơi chứa hỗn hợp lên men. Việc kiểm soát nhiệt độ, vệ sinh và độ ổn định sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, sẽ không còn đất sống cho các lợi khuẩn truyền thừa kia nữa. Các hương vị truyền thống và đặc trưng còn được lưu lại hay không thì vẫn là điều còn đang tranh cãi.

glenfiddich-30-yo
glenfiddich-30-yo

PS 1: Trong hình là chai Glenfiddich 30 Edition 2011 hộp gỗ. Để được gọi là 30 tuổi khi đóng chai năm 2011 thì rượu được dùng trẻ nhất dùng để tại nên chai này phải được chưng cất vào năm 1980 trở về trước. Cũng là chai Glenfiddich 30 nhưng Edition 2018 hộp da đóng chai 2018, dùng các loại rượu chưng cất trẻ nhất từ 1987 trở về trước đó thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Hay hơn, dở hơn, hay như nhau thì phải tùy từng người đọc rồi.

Nồi Chưng Cất

Tùy theo mục đích và chất rượu mong muốn mà mỗi nhà chưng cát sẽ chọn các thiết kết nồi chưng cất khác nhau. Ở đây ta không bàn sâu hơn về vấn đề này đơn giản là bởi các nhà chưng cất ngày nay vẫn giữ nguyên thiết kế nồi chưng của mình. Vì vậy mà nó không ảnh hưởng tới sự khác nhau giữa rượu ngày xưa và ngày nay.

worm-tubs-&-shell-and-tube
Bên trên là sơ đồ bộ ngưng tụ rượu “worm tubs”. Bên dưới là sơ đồ bộ ngưng tụ rượu “shell and tube”.

Chưng Cất

Là quá trình dùng nhiệt để cồn trong rượu nhẹ (wash) bốc hơi thành thành rượu có độ cồn cao hơn (spirit). Tùy theo từng nhà mà việc chưng cất này diễn ra 2 lần, 2.5 lần hay 3 lần. Tuy nhiên, dù chưng cất bao nhiêu lần thì lần cuối sẽ trải qua 3 giai đoạn hay cắt 3 lần (3 cuts) như sau:

Head: Là giai đoạn đầu tiên, các chất nhẹ trong rượu nhẹ sẽ bay hơi đầu tiên và trong đó có rất nhiều methanon, một chất độc. Vì vậy mà những gì thu được ở giai đoạn này thường bị bỏ đi hoặc quay về hòa vào rượu nhẹ để chưng cất lại. Mỗi nhà chưng cất sẽ quyết định là ngưng giai đoạn này ở lúc nào để bắt đầu chuyển qua giai đoạn tiếp theo.

Heart: Là giai đoạn thứ 2, cồn và hương vị và những gì tinh túy nhất bay hơi và được thu giữ ở bộ ngưng tụ nơi biến hơi rượu thành dung dịch rượu. Thường nhà chưng cất sẽ ngưng giai đoạn này khi mà rượu nhẹ đã bốc hơi gần hết cồn, nồng độ cồn còn lại chỉ khoảng 1%.

Tail: Là giai đoạn sau cùng, lúc này lò lửa đã tắt nhưng nhiệt vẫn còn và quá trình bốc hơi vẫn tiếp tục. Tuy nhiên những gì bốc hơi trong giai đoạn này thường là những hương vị không dễ chịu nên chúng thường được bỏ đi hoặc cùng với những gì thu được ở giai đoạn Head, quay lại hòa vào rượu nhẹ để được chưng cất lại.

Mỗi nhà chưng cất sẽ có một bí quyết riêng để cắt 3 giai đoạn trên vào lúc nào để cho ra hương vị của rượu mới nấu như mong muốn. Một số nhà chưng cất có thể cắt sớm hơn và trễ hơn để lấy một phần rượu từ giai đoạn Head và Tail rồi xử lý chúng bằng thời gian ủ trong thùng gỗ, thuần hóa và biến các hương vị khó chịu trong rượu mới nấu ban đầu thành các hương vị độc đáo trong rượu thành phẩm.

Không biết là bởi khoa học kỹ thuật phát triển hay do để tăng lượng rượu thu được nhằm tối đa hóa lợi nhuận hay không mà ngày nay tỉ lệ rượu thu được trong quá trình chưng cất tăng đáng kể so với ngày xưa. Như vậy sẽ có thêm rượu được lấy từ giai đoạn Head và Tail. Mấy năm gần đây, có vài nhà chưng cất mà rượu của họ bỗng trở nên rất malty – yeasty với mùi cereal sống và mùi men khê nồng, đặc biệt là ở các bản trẻ tuổi ủ thùng bourbon. Không biết đó có phải là các hương vị từ rượu lấy thêm ở giai đoạn Head và Tail hay không nữa?

Ngưng Tụ Rượu

Đây là quá trình thu rượu, biến hơi rượu bay ra từ nồi chưng cất ngưng tụ thành rượu lỏng. Có 2 loại bộ ngưng tụ chính với thiết kế khác nhau là “worm tubs” và “shell and tube” (Hình minh họa trong bài).

“Worm tubs” là một ống đồng cồng kềnh có thể dài tới 100m (worm) chạy vòng quanh trong một hay nhiều bồn gỗ lớn (tubs). Hơi rượu chạy từ nồi chưng cất qua hệ thống ống đồng này sẽ được nước trong bồn làm mát và ngưng tụ thành rượu lỏng. “Shell and tube” có thiết kế khác. Thay vì một ống đồng như “worm tubs” thì nó sử dùng rất nhiều, có thể hơn 100 ống đồng ngắn (tube) chạy song song trong một thùng nước làm mát (shell).

Mỗi loại đều có ưu nhược điểm riêng. Loại “shell and tube” gọn nhẹ, dễ bảo trì và cho ra loại rượu “nhẹ” và mỏng hơn. Loại “worm tubs” cồng kềnh, khó bảo trì nhưng lại cho ra loại rượu dày, giầu vị và phức hợp với các các mùi sulfur và meaty. Loại “worm tubs” đã từng rất phổ biến nhưng ngày nay chỉ còn 15.5 nhà còn dùng nó. Sở dĩ có số lẻ là bởi trong đó có nhà Springbank hiện đang sử dụng song song cả 2 loại. Có những nhà ngay từ đầu đã chọn cho ra loại rượu nhẹ, trang nhã và sử dụng thiết kế “shell and tube” như Glenmorangie thì không nói. Tuy nhiên, nếu một nhà nào đó mà chuyển từ “worm tubs” qua “shell and tube” thì cùng với các yếu tố khác, rượu ngày nay của họ chắc chắn sẽ có hương vị khác với ngày xưa.

Độ Cồn Của Rượu Khi Đưa Vào Thùng Gỗ

Rượu thu được từ bộ ngưng tụ thường có độ cồn trên 70%. Lúc trước, hầu như tất cả các nhà đều thêm nước để đưa độ cồn xuống khoảng 63.5% trước khi đưa vào thùng ủ. Độ cồn này được một số người cho là dựa vào một nghiên cứu của Mỹ, cho rằng 60% là độ cồn tối ưu hóa của rượu bourbon khi bắt đầu đưa vào thùng gỗ và để ủ trong 6 năm.

Scotch whisky thường ủ lâu hơn bourbon nên độ cồn của rượu khi đưa vào thùng gỗ được điều chỉnh lên thành 63.5%. Độ cồn cao hơn cũng giúp giảm rủi ro độ cồn của rượu trong quá trình ủ bị hạ xuống dưới 40%, không đạt yêu cầu đóng chai theo luật Scotland. Tuy nhiên, cũng có thể độ cồn 63.5% này có được là do nhiều thử nghiệm khác nhau trong nhiều năm của các nhà chưng cất chứ không phải là đến từ nghiên cứu về rượu bourbon của Mỹ kia.

Độ cồn khi bỏ rượu vào thùng gỗ rất quan trọng bởi hương vị của rượu thành phẩm được cho là do thùng gỗ đóng góp tới 60%. Trong gỗ có những chất và hương vị sẽ tương tác với nước tốt hơn, tức nước sẽ tác động lên thùng gỗ để thúc đẩy chất và hương vị đó tiết ra nhiều và nhanh hơn. Ngược lại, có những chất và hương vị trong thùng gỗ tương tác với cồn tốt hơn. Và cũng có cả những chất và hương vị trong thùng tương tác tót với cả nước và cồn. Chính vì vậy mà độ cồn 63.5% đã từng được cho là tỉ lệ vàng, tỉ lệ cồn và nước vừa đủ, giúp cân bằng quá trình trưởng thành và hương vị của rượu thành phẩm sau này.

Tuy nhiên, ngày nay một số nhà chưng cất lại chọn độ cồn cao hơn để đưa vào thùng gỗ. Từ khi mở cửa lại, Bruichladdich chọn độ cồn 71 – 71.5% để đưa vào thùng gỗ. Glenallachie dưới thời Billy Walker đóng thùng ở các loại độ cồn khác nhau là 63.5%, 65%, 67% và 69.5%.

Dù các nhà chưng cất có giải thích thế nào thì cũng không thể phủ nhận là họ làm vậy để tiết kiệm thùng gỗ, kho chứa và nhân công. Cứ 10 thùng ủ rượu có độ cồn 70% thì nhà chưng cất sẽ tiết kiệm được 1 thùng gỗ, 1 chỗ trong nhà kho và nhân công chăm sóc và theo dõi thùng đó trong suốt thời gian ủ và trưởng thành của rượu. Ngoài ra, sau này dùng chúng để pha rượu thì sẽ cho được nhiều chai hơn. Tuy nhiên, độ cồn khi bỏ vào thùng càng cao thì được cho là khiến hương vị rượu bị mất cân bằng, quá thiên về gỗ mà kém fruity, kém ngọt ngào và khiến rượu trưởng thành chậm hơn.

Tuy nhiên, độ cồn cao khi bỏ vào thùng gỗ cũng không hẳn là không tốt nếu như nó được để đủ lâu để trưởng thành. Khi quyết định đóng cửa nhà chưng cất Bora và Port Ellen vào năm 1983 do cuộc khủng hoảng thừa whisky, Diageo quyết định là không nên phí phạm nữa, tất cả rượu mới nấu với độ cồn trên 70% được bỏ luôn vào thùng gỗ để tiết kiệm thùng thay vì thêm nước để đưa xuống 63.5% như trước đó. Vô tình độ cồn cao khiến rượu trưởng thành bị chậm lại, 20-30 năm sau nhiều thùng rượu trong số này không bị oaky hay woody, chất lượng đạt đến độ hoàn hảo để trở thành lịch sử như ta đã biết ngày nay.

Nói tóm lại là độ cồn cao khi bỏ vào thùng gỗ có thể chỉ hợp với các thùng mà nhà chưng cất quyết định là sẽ để ủ lâu năm. Ngược lại, nếu ủ trong thời gian ngắn thì rượu sẽ bị kém trưởng thành hơn. Kết hợp cùng với các yếu tố khác, đây có thể là một trong các lý do khiến một chai rượu ngày nay cho ta cảm giác là kém trưởng thành và kém ngon hơn một chai cùng tuổi ngày xưa?

tomatin-30
Tomatin-30

Trong hình lại là chai Tomatin 30 đóng chai 2014, một chai có đủ các tiêu chí để được gọi là một chai rượu ngày xưa. Nó có thể được đóng từ các thùng được chưng cất vào năm 1983, năm cuối cùng trước khi nhà Tomatin bị phá sản và buộc phải đóng cửa vào năm 1984. Không biết những thùng này có phải là loại rượu newmake có độ cồn hơn 70% bỏ thẳng vào thùng gỗ hay không?

Các người anh em của nó là Tomatin 30 đóng chai các năm trước đã chiến thắng 2 năm liên tiếp là 2012 và 2013 tại Whisky Fringe 2012 and 2013 do nhà bán lẻ rượu nổi tiếng của Anh là Royal Mile Whiskies Spirit tài trợ. Năm 2013, nó vượt qua hàng loạt các chai tên tuổi khác để lần thứ 2 liên tiếp đứng hạng nhất. Tất nhiên, như rất nhiều các chai khác, giới connoisseur cũng đánh giá về nó khác nhau. SEV của Whiskyfun cho các chai đóng 2011 và 2012 cùng 86 điểm. Roben Luyten của Whiskynotes cho chai đóng 2013 90 điểm. Ralfy cho chai đóng 2014 số điểm 92. Không biết có phải may mắn hay không, các chai Tomatin 30 nhập về Việt Nam trước kia đều là các chai đóng 2013 và 2014.

tasting-tomatin-30
tasting-tomatin-30

Tất nhiên, với bất kỳ một chai nào, không quan tâm tới việc các connoisseur danh tiếng đánh giá và cho điểm bao nhiêu thì vẫn sẽ có người thích và không thích nó. Trong một buổi thử rượu cùng các chai như Ardbeg 1974, Lagavulin 16 White Horse đóng chai 1989, Highland Park 12 Dumpy và một số Springbank 9/10 Local, Springbank 12 CS Batch 07, anh em chọn chai Tomatin 30 này là ngon nhất và được uống lại nhiều lần nhất. Cũng không chắc là anh em thấy nó ngon thật hay chỉ vì nó lạ, lần đầu được uống hay là thấm nhuần châm ngôn, khi mang rượu đi pair thì cứ nhằm chai của bạn mà khen ngon, mà uống.

Thùng Ủ Rượu Whisky

Ở các phân tích bên trên, ta đã nói về sự khác biết từ nguyên liệu đầu vào là lúa mạch cho tới quy trình lên men, chưng cất, ngưng tụ và độ cồn của rượu khi đưa vào thùng gỗ để bắt đầu quá trình rượu được ủ để trưởng thành. Phần ngày và cũng là phần cuối này sẽ nói về các khác biệt  về loại thùng được sử dụng để ủ rượu.

Đầu tiên là về thùng ủ rượu và có thể nói quan trọng nhất trong ngành Scotch whisky chính là thùng ex-sherry. Đây là thùng gỗ sồi đã được dùng để chứa hoặc ủ rượu sherry, một loại vang ngọt của Tây Ban Nha có độ cồn khoảng 17%, trước khi rượu whisky được đưa vào để trưởng thành. Hương vị của rượu sherry ngấm vào thùng gỗ sồi trước đó khiến cho rượu whisky trưởng thành trong nó có hương vị rất dầy, giàu, phức hợp và thơm ngon.

Trước năm 1986, các thùng ex-sherry này đa phần là các thùng làm từ gỗ sồi châu Âu được các nhà làm rượu sherry dùng để đựng rượu sherry thành phẩm để chuyên chở qua Anh bán. Sau khi tới Anh và được đóng vào chai, các thùng gỗ này hết nhiệm vụ và được bán lại cho các nhà làm rượu tại Scotland để làm whisky. Từ năm 1986, để bảo vệ môi trường, chính phủ Tây Ban Nha ra lệnh cấm việc dùng các thùng gỗ để chuyên chở sherry khiến ngành công nghiệp whisky của Scotland rơi vào một cuộc khủng hoảng.

Rất nhanh chóng, các nhà làm whisky của Scotland tìm ra cách để giải quyết vấn đề này. Thay vì trông chờ vào các thùng gỗ chở sherry thành phẩm tới Anh như trước kia, họ chủ động tự tìm kiếm các thùng gỗ rồi thuê các nhà làm sherry ở Tây Ban Nha “nhuộm” các thùng này với rượu sherry một thời gian từ 12 – 24 tháng, xong các thùng này được tháo rời ra, chở về Scotland rồi đóng lại thành thùng đem ủ whisky. Quá trình này được gọi là “seasoned”, một thuật ngữ được rất nhiều nhà làm rượcao, hi trên nhãn chai.

Tuy nhiên, các thùng ex-sherry kiểu “seasoned” này rất khác với các thùng dùng để chuyên chở rượu sherry trước đó. Sự khác nhau của chúng đến chính từ sự khác nhau về chất lượng của loại rượu sherry mà chúng đã chứa qua. Với các thùng dùng để chuyên chở, thứ sherry chứa trong nó là các loại sherry thành phẩm chất lượng cao. Chúng có thể là sherry có tuổi là 10, 20, 30 hay thậm chí là 40. Còn đối với các thùng kiểu “seasoned” thì lại rất khác. Thứ rượu được dùng để “nhuộm” nhiều khi chỉ có số tuổi vừa đủ để được gọi là “sherry” một cách đúng luật, ví dụ như Oloroso sherry là 2 tuổi. Và cũng không có quy định nào buộc những loại rượu sherry “nhuộm” thùng này không được tái sử dụng để “nhuộm” các thùng khác nữa.

Chất gỗ cũng rất khác. Lúc trước hầu hết các thùng dùng để chuyên chở rượu sherry là được làm từ gỗ sồi châu Âu. Sau này, để tiết kiệm hơn, các thùng đóng từ gỗ sồi Mỹ bắt đầu được sử dụng nhiều hơn nếu không nói là ngày nay chúng chiếm đại đa số để đem “nhuộm” sherry. Ngày nay, một số nhà như Glendronach dùng thuật ngữ “Spanish Oloroso Sherry Casks” trên nhãn chai ví dụ như chai 15 cũ nhưng điều này hoàn toàn không mang nghĩa là các thùng này được đóng bằng gỗ sồi châu Âu. Ý nghĩa của cụm từ này thực ra là các thùng được “nhuộm” bằng Oloroso sherry ở Tây Ban Nha.

Sự khác biệt tiếp theo chính là tỉ lệ các thùng được chọn để đem đóng thành các chai single malt. Trước kia, chỉ khoảng 1 – 2% số thùng rượu thành phẩm được cho ngon nhất được đem để đóng thành các chai single. Số còn lại sẽ được đem bán cho các nhà làm rượu blended kiểu Chivas và JW để pha rượu. Sau này, tỉ lệ này tăng lên 3 – 4% rồi dần thành 10%, 20% và thậm chí là 30%. Tất nhiên, các nhà chưng cất đều nói là rượu phải đủ chuẩn thì họ mới đem đóng thành single malt nhưng thực tế thì cũng có chuẩn this và chuẩn that.

Tuy nhiên, công bằng thì cũng phải nói rằng ngày nay, quy trình kiểm soát hiện đại và chặt chẽ từ ngay khâu đầu tiên là chọn gỗ, phơi gỗ, đóng thùng, chưng cất, ủ rượu thì tỉ lệ rượu đạt chuẩn chắc sẽ cao hơn. Thực tế, nhiều người cho rằng một số chai ngày nay lại ngon hơn các chai ra đời 10 – 20 năm trước mà ví dụ tiêu biểu là 2 nhà Glenlivet và Glenmorangie. Glenlivet thì được cho là mới biết làm rượu gần đây còn Glenmorangie thì được cho là bắt đầu khá hơn từ năm 2013, khi mà họ bắt đầu đưa ra quy trình kiểm soát chất lượng. Ví dụ tiêu biểu là chai Glenmorangie Quinta Ruban 12. Cùng là các chai đóng 2013 nhưng các chai đóng nửa đầu năm nhiều khi sặc sụa sulfur còn các chai đóng nửa sau của năm lại khá hơn rất nhiều.

Nikka-Taketsuru-17-Pure-Malt
Nikka-Taketsuru-17-Pure-Malt

Trong hình là chai Nikka Taketsuru 17 Pure Malt, kiểu chai vuông được đóng chai trong khoảng 2001 tới 2002. Từ 2003 về sau, chúng được đóng trong các chai tròn như ta thấy ngày nay. Để có thể được gọi là 17 tuổi, rượu dùng được làm ra nó phải được chưng cất từ nửa đầu 1980s trở về trước, thuộc kỷ nguyên vàng của lúa mạch Golden Promise.

Thực tế là hương vị của nó rất đặc trưng của loại rượu nấu từ malt làm từ lúa mạch Golden Promise. Đó là rất oily, meaty, creamy cho ta cảm giác sánh, đặc, dầy, giàu vị, phức hợp với hậu vị rất waxy. Hôm nào có lẽ sẽ phải mở ra uống song song cùng lúc các chai malt whisky 17-18 tuổi biểu tượng của Nhật là chai Nikka Taketsuru 17 này, chai Yamazaki 18, chai Hakushu 18 và chai Fuji Gotemba 18 để so sánh xem chai nào vô địch trong phân khúc này của whisky Nhật.

Theo chia sẻ của Binh Thai Nguyen: 22/08/2022

Tại sao tin tưởng ruouxachtay.com?

Ruouxachtay.com – Cham Vào Đam Mê

Trăm Nghe Không Bằng Một Thấy

Khách hàng của ruouxachtay.com review top 6 loại Đá vĩnh cửu tốt nhất năm 2022 Review Top 6 loại Đá Vĩnh Cửu Tốt Nhất Năm 2022 18425300 917611521714384 3933257258960570853 n 1 7 bình Đựng rượu whisky tốt nhất năm 2022 7 Bình Đựng Rượu Whisky Tốt Nhất Năm 2022 18425300 917611521714384 3933257258960570853 n 1

Hàng Ngàn Khách Hàng Của ruouxachtay.com

ruou suu tam quy hiem review top 6 loại Đá vĩnh cửu tốt nhất năm 2022 Review Top 6 loại Đá Vĩnh Cửu Tốt Nhất Năm 2022 z1407527617187 ae878129188982ba3846d677914d9325 2 7 bình Đựng rượu whisky tốt nhất năm 2022 7 Bình Đựng Rượu Whisky Tốt Nhất Năm 2022 z1407527617187 ae878129188982ba3846d677914d9325 2
các loại rượu sưu tầm quý hiềm trên thế giới