Hỏi Đáp Về Rượu Whisky: Phỏng Vấn Serge Valentin – Chuyên Gia Về Rượu Whisky

Phỏng Vấn Serge Valentin - Influencer

Serge Valentin – Một Influencer* Khác Biệt

*Thuật ngữ Influencer trong Marketing thể hiện những người mà đánh giá của họ về một sản phẩm, dịch vụ hay con người có tầm ảnh hưởng lớn tới quan điểm quần chúng.

Nguồn: Tạp chí Whisky Magazine số 75 ra mắt tháng 9 năm 2019. Bài viết được thực hiện bởi phóng viên Christine Lambert.

Đến từ vùng Alsace, đồ đệ của thần rượu Bacchus không ngừng đăng tải, từ năm 2002, những ghi chép thử nếm trên blog cá nhân whiskyfun.com. Theo ông, đó chỉ là một thú vui, và chính là một thú vui, không hơn không kém, nhưng lại có ảnh hưởng lớn tới số phận của từng chai rượu cũng như ý định của những tay sưu tầm sành sỏi trên thế giới. Chúng tôi quyết định phỏng vấn ông còn vì những nguyên nhân khác nữa. Dưới đây là ghi chép về buổi phỏng vấn.

Hãy nói một vài điều về bản thân mình, Serge Valentin?

Serge Valentin: Công việc giúp tôi trang trải cuộc sống là truyền thông quảng cáo, tôi là thành viên của hai công ty truyền thông lớn của Pháp. Ngoài ra, tôi hiện nay 58 tuổi, đã có gia đình với 3 đứa con, và tôi có niềm đam mê với nhiều thứ khác nhau: rượu vang, nhạc jazz, đầu máy motor… Và tất nhiên là whisky. Như người Anh từng miêu tả, “Đồ chơi của bọn con trai.”

Con đường nào đưa ông đến với việc ghi chép thử nếm whisky?

SV: Vốn là tôi ghi chép về rượu vang. Cùng với bạn bè, chúng tôi đã lập nhóm thử rượu từ cách đây 25 năm. Trong suốt thời gian đó, chúng tôi luôn ghi chép lại cảm nhận của bản thân khi nếm rượu. Tôi bắt đầu viết bản tin và in thành trăm bản gửi cho bạn bè mỗi tháng. Lúc đó còn chưa có Internet: vậy là tôi đã bắt đầu viết blog trên giấy! Cho đến một ngày, tôi đọc thấy Malt Maniacs đang tìm cộng tác viên ở Pháp, nên tôi viết blog chung với họ trước khi lập whiskyfun năm 2002. Tôi đến từ ngành báo chí, có thói quen viết bài đều đặn, do đó rất nhanh đăng các bài viết hằng ngày trên trang cá nhân trở thành một phản xạ. Nhưng đó cũng chỉ là một sở thích.

Thời điểm mà ông bắt đầu viết blog, rất khó để bao quát hết toàn bộ: có rất ít whisky trên thị trường…

SV: Phải nói là cực kỳ ít ỏi! Trái lại, có rất nhiều rượu cổ từ những năm 1950, 60, 70, 80, 90 để nếm.

Quá oách!

SV: (cười thầm) Không chỉ có những chai rượu mới, mà tuyệt hơn nữa tôi đã khám phá Samaroli, Cadenhead, và tất cả những dòng OB cũ…

Một buổi thử nếm kiểu Serge Valentin diễn ra như thế nào?

SV: Tôi thử một ly Laphroaig 10 năm trước khi bắt đầu uống các loại rượu khói, hay một ly Highland Park 12 năm đối với những chai không khói. Nếu tôi cảm nhận được những mùi vị quen thuộc thì tôi sẽ tiếp tục. Bằng không, tôi sẽ hoãn lại, bởi điều đó cho thấy tôi không khỏe. Tôi lúc nào cũng thử rượu trên 50% hai lần, neat và hòa thêm nước. Tôi luôn sử dụng duy nhất nước khoáng của hãng Vittel. Và chỉ một loại ly, loại cơ bản có hình tuylip: những điều này rất quan trọng, bởi một thay đổi nhỏ sẽ gây ảnh hưởng lớn tới mùi vị của rượu. Tôi lúc nào cũng để rượu thở trước khi nếm: một số whisky khá tệ khi mới mở, nhưng trở nên lộng lẫy theo thời gian. Cuối cùng, buổi thử nếm luôn diễn ra trong cùng điều kiện: không bật nhạc, vào cuối chiều, tốt nhất là vào cuối tuần…

Ông luôn nếm một loạt các loại whisky tương tự nhau?

SV: Luôn luôn. Đó là điều cơ bản để có thể so sánh chúng với nhau. Tất nhiên cần có “điều kiện”: thư viện samples của tôi tùy thời điểm có 2000 tới 3000 mẫu rượu. Được canh giữ bởi mấy con dobermans.

A Du! Khi ông thử rượu, ông thường đánh giá một cách khách quan hay chủ quan?

SV: Cảm nhận chủ quan, tôi thưởng thức theo sở thích cá nhân, tôi không phải chuyên gia, tôi không tìm cách đánh giá một loại rượu như một blender đánh giá những khuyết điểm hay tính chuẩn mực của các mẫu thử. Với tôi, chỉ có thích hay không thích. Tôi không thích đồ ngọt, nên nếu cảm thấy có vị ngọt trong rượu , tôi sẽ không cho điểm cao. Tuy nhiên, tôi áp dụng tính khách quan trong phương thức thực hiện: so sánh, lựa chọn điểm tham chiếu, điều kiện thử nếm bất biến…

Để đạt điểm số 95/100 trên Whiskyfun, chai rượu đó cần như thế nào?

SV: Nó cần phải hợp với sở thích của tôi, có độ phức hợp – đó là yếu tố chính, còn độ cân bằng thì không quá quan trọng – tôi thích những thứ dữ dằn một chút, thiên lệch một chút. Như vậy, mức điểm 95/100, nó không được thiếu gì cả, kể cả sự cân bằng. Lớp hương vị thứ ba phải rõ ràng, đủ già, có vị ngậy – cực kỳ quan trọng. Một chai whisky 95 điểm, cần phải có tất cả những điều trên.

Whisky chưng cất cách đây 12 hay 15 năm, theo các tiêu chí của ông, sẽ không bao giờ đạt được 95/100 điểm?

SV: Không. Độ phức hợp, ta không thể đạt được một cách nhanh chóng. Ta có thể tạo được độ cân bằng, sự mạnh mẽ hay mùi vị tuyệt hảo trong thời gian ngắn, nhưng độ phức hợp thì không. Tôi cho rằng thời gian là một trong những nguyên liệu quan trọng của rượu mạnh.

Ông chưa bao giờ trao tặng số điểm cao nhất cho chai rượu nào?

SV: Với tôi số điểm 100/100 không hề tồn tại. Nó tựa như cõi niết bàn xa xôi trong cuộc đời trần tục. Nó là số điểm của hy vọng. Từng có nhiều whisky đạt điểm 98/100. Và một chai Port Ellen Queen’s Visit đạt 99 điểm.

Port Ellen Queen’s Visit
Port Ellen Queen’s Visit

God save the Queen. Liệu thỉnh thoảng ông có hạ sơn và thử nếm những chai whisky phổ thông của người thường?

SV: Có chứ! Vấn đề là, với tôi, rất khó để tìm mua được nhiều chai whisky rẻ, trừ khi dồn tiền mỗi lần chỉ mua một chai.

Cái gì?

SV: Bởi vì không có ai gửi những chai rượu đó cho tôi! Họ gửi cho tôi những chai whisky 40 tuổi hay những chai Single Cask… Tôi không hề gặp khó khăn để tìm một chai Brora 1972, nhưng tôi khó có thể chạm tay vào một chai OB Glenmorangie 10 năm. Tôi thề.

Ông có biết câu này sẽ được in trên trang báo không?

SV: (cười) Nhưng tôi buộc phải thử toàn bộ những chai whisky ấy. Đó là điều cơ bản. Tôi biết hình ảnh của Whiskyfun với bên ngoài, nhưng đó không phải mục đích và điều đó cũng không đúng.

Liệu có còn những chai phổ thông nào chất lượng không thay đổi?

SV: Có, có có. Tất nhiên. Ardbeg 10 năm, tôi rất thích chai đó, tôi cũng đã rất ngạc nhiên về Oban 14 năm mà tôi mới thử lại gần đây. Talisker 10 năm, Laphroaig 10 năm… Ngoài ra, khi đã là những dòng rượu đóng chai số lượng lớn, chắc chắn sẽ có những biến đổi nhỏ. Lagavulin 16 năm, tất nhiên. Highland Park 10 năm, tôi vô cùng ưa thích chai cuối cùng này – không ủ thùng sherry hay PX. Tôi sợ thùng ủ rượu pedro ximenez!

Sở thích của ông hiện nay có ảnh hưởng ghê gớm, ít nhất với những dòng rượu cao cấp…

SV: Nếu đó là chai rượu ngon. Hoặc nó quá tệ. Giữa hai mức đó thì không có ảnh hưởng gì đáng kể.

Có những nhà đóng chai độc lập hay băn khoăn: có nên gửi rượu cho Serge hay không? Có, nhưng nếu ông ta đánh giá thấp chai rượu, ta sẽ không bán được chai nào… Những lời bình phẩm thường được đưa ra trước khi đăng bán.

SV: Tôi biết. Có những người gửi cho tôi tất cả những chai rượu của mình, có người không gửi chai nào, có người chỉ chọn một vài chai để gửi, và có cả những người gửi cho tôi một vài chai rồi ngừng hẳn ngay khi có những điểm số kém đầu tiên – như Macallan, Ardbeg… Dù sao tôi cũng không thực sự cần họ để có những chai rượu của họ, tôi cũng tự tìm được nhiều chai cho mình. Điều khiến tôi khó chịu là có rất nhiều người thu gom rượu theo điểm số của tôi để đầu cơ. Đặc biệt ở châu Á. Có những người chỉ mua rượu từ 92/100 điểm trở lên, mua hàng thùng, để bán lại với giá cao.

Sở thích của ông ngày càng có sức ảnh hưởng sâu rộng tới người tiêu dùng, đặc biệt là hội geek chỉ trích không ngừng những phiên bản ủ trong thùng rượu vang đỏ hay các finishes. Hay ngược lại, tôn sùng một chai rượu vì “Serge đã cho nó 92 điểm”?

SV: (cười phá lên) Đó là vai trò của việc đánh giá phê bình, tương tự như trong giới điện ảnh hay văn chương. Tôi vốn là một nhà báo, và việc tạo ra ảnh hưởng là điều đương nhiên. Về việc nó định hình gu ưa thích của người khác, thì lại là chuyện bình thường.

Vấn đề với các phiên bản ủ thùng vang đỏ của ông là gì?

SV: Thì đó là vì tôi thích rượu vang đỏ! Và tôi rất sợ cái ý nghĩ trộn rượu vang với rượu mạnh, với tôi đó là việc pha thêm mùi, mà tôi thì chẳng thể hiểu nổi. Nếu tôi muốn cho rượu đỏ vào trong ly whisky của mình, thì chẳng cần họ đóng thành chai để bán làm gì.

Với thùng từng chứa rượu Sauternes thì không có vấn đề đúng không?

SV: Ít hơn, bởi bạn vẫn ở trong cùng một thế giới với whisky, mùi quả mơ, mận mirabelle, mùi hoa…, chúng không đối nghịch nhau. Trái lại, mùi hoa mẫu đơn, quả mâm xôi, dâu của rượu vang đỏ, xung đột lớn. Rồi mùi khói… Vang đỏ kèm mùi khói là tệ nhất. Bao nhiêu nhà làm. Như Port Ellen ủ thùng Pomerol!!! Hay rượu porto, với tôi cũng như vậy. Tất cả những cái gì có màu đỏ! Rượu sherry không có vấn đề, đó là rượu vang trắng, vị khan. Oloroso, Fino, Manzanilla dung hợp khá tốt với whisky. Clynelish là một trong những whisky khó kết hợp với thùng rượu vang. Rất hiếm khi nào tôi gặp được chai Clynelish ủ thùng sherry ngon.

Ông đã trở thành Parker của whisky mà Không phải Charlie hay Robert?

SV: Tôi lại thấy thích được ví như Charlie hơn! Không, điều mà người ta thường chỉ trích về Parker không phải nằm ở tầm ảnh hưởng của ông đối với thị trường, mà là đối với sản xuất. Điều này không thể áp dụng lên rượu mạnh. Như whisky, thời gian quá dài làm điều đó trở nên bất khả thi. Giả như giờ người ta phải sản xuất whisky theo gu của tôi… phải đợi hai mươi năm sau tôi mới đánh giá được.

Ông vẫn có thể uống rượu khi thích?

SV: Không. Thật ra… thỉnh thoảng, nếu có bạn bè tôi ở cùng, nhưng chẳng mấy khi được vậy. Chán nhất là tôi thiên về vang hơn là whisky. Khi có bạn, tôi thường uống vang. Tôi có hàng trăm chai whisky, nhưng tôi không uống mấy: khi nào tôi nếm rồi thì thôi, cất đi. Sở thích của tôi, là thử nếm.

Đưa ra một số điểm có cần thiết không?

SV: Có. Đầu tiên, có những người không biết tiếng Anh. Tôi không thể giả đò bản thân thích hay không thích một chai rượu ở mức độ nào chỉ bằng ngôn từ. Tôi không nghĩ tất cả mọi người đều thích đọc cả một trang giấy về whisky. Điểm số đóng vai trò tóm tắt.

Sự khác nhau giữa 89/100 và 91 điểm?

SV: Rất khác nhưng cũng khá gần. Tôi không thể nói rõ hơn nếu tôi không có gì để so sánh. Nếu cô chỉ cho tôi một chai rượu, tôi không thể nào nói nó 89 hay 91 điểm. Tôi cần phải so sánh giữa nhiều chai khác nhau.

Rượu scotch ngày nay thường trên 80 điểm?

SV: Không, không. Rượu single malt sẽ trên 70 điểm. Số điểm 75 khá thường thấy, đặc biệt mấy chai ủ lần hai (finishes) – mà tôi cho là thất bại. Ở mức 70 điểm tức có vấn đề. Dưới 70 điểm, vấn đề nghiêm trọng.

Gu sở thích thay đổi theo thời gian. Liệu ông có chắc rằng những whisky ông đã cho điểm cao cách đây 15 năm sẽ vẫn có mức điểm cao ấy nếu giờ ông thử lại?

SV: Không. Không, điều đó có thể thay đổi. Hồi đó tôi ưa chuộng mấy loại ủ thùng sherry, giờ ít hơn. Tôi từng thích những loại khói mạnh đậm, hiện tại tôi ít thưởng thức chúng đi. Ngày nay tôi thích những loại whisky ngậy và nhiều khoáng… Tuy nhiên tôi có chút suy ngẫm về chuyện này. Khi tôi bảo rằng mình đánh giá rượu dựa theo sở thích của mình… nếu có một whisky thực sự ngon nằm trong thể loại mà tôi không thích lắm, tôi vẫn cho điểm cao.

Cho đến ngày hôm nay, tháng 7 năm 2019, ông đã thử nếm bao nhiêu whisky?

SV: (mở laptop để kiểm tra) Đợi chút… 14.691 whisky.

14.691 loại whisky khác nhau, thật khiến người khác phải lùi bước. Từ góc nhìn của ông, không suy xét gì cả, đâu là những thay đổi nổi bật tác động tới whisky trong 15 năm gần đây?

SV: Gỗ. Và xây dựng thương hiệu. Chúng ta nói về malts đúng không? Malts ngày nay được quản lý như blends hồi xưa, tựa như thương hiệu. Các nhà chưng cất trở thành các thương hiệu, các yếu tố thể hiện “phong cách sống”, một thuật ngữ đáng sợ. Ngay lúc người ta áp dụng marketing lên một sản phẩm, nó biến thành một thứ khác, một phương thức khẳng định giá trị cá nhân, một mặt nạ giả dối, một hình thức đầu cơ, trang trí… nhưng nó sẽ không còn là một thứ rượu chưng cất từ lúc mạch mà ta thưởng thức vì chính bản thân nó. Rõ ràng, thương hiệu chứng minh điều này chuẩn nhất là Macallan.

Một bộ phận whisky chệch hướng sang thị trường xa xỉ phẩm…

SV: Chắc chắn. Rượu vang cũng vậy, cô thấy rồi đó. Nhưng điều này mới xuất hiện gần đây. Whisky trở thành một thứ chia rẽ mọi người, ngoài ra cô chắc cảm nhận được, sự căng thẳng trên các diễn đàn mạng, mọi người tức giận chỉ trích nhau. Ngay khi một người đăng tải trên Facebook ảnh một chai Macallan vừa mua, bùm, bạn sẽ nhận về liên tiếp “gạch đá”: mở đi, uống đi… Có một làn sóng đấu tranh giai cấp trong giới whisky hiện nay, điều chưa từng xảy ra trước đây. Ngày trước tất cả single malts đều ngang giá, tính theo số tuổi của mình: chai 12 năm sẽ có mức giá này, 20 năm sẽ có mức giá khác, dù nó là Macallan hay Deanston. Sức mạnh thương hiệu đến sau, chỉ là thương hiệu này có giá đắt hơn thương hiệu khác.

Ông thấy hiện tượng này khởi nguồn khi nào?

SV: Khoảng 2010. Ngày trước, ta có thể lựa whisky theo gu cá nhân, giờ, phải lựa theo giá. Đáng buồn. Hệ quả của xây dựng thương hiệu (branding).

“Tôi vốn là một nhà báo, và việc tạo ra ảnh hưởng là điều dễ hiểu.”

Một thay đổi lớn khác mà ông đề cập là gỗ?

SV: Đúng vậy, và điều đó khiến tôi lấy làm đáng tiếc. Các nhà chưng cất hiện nay chỉ nói về thùng gỗ ủ. Tại sao? Bởi nó giúp tiết kiệm “time to market”, tức là, thời gian tính từ lúc ta bắt đầu sản xuất cho đến khi đem bán ngoài thị trường. Với một whisky 30 năm, “time to market” là 30 năm. Nhưng với một whisky không tuổi (NAS – non age statement) được đánh đậm thêm mùi vị bởi chất gỗ, thời gian đó có lẽ chỉ là 3 năm. Ta thay thế số tuổi bằng chất gỗ.

Đúng là trên nhãn chai, số tuổi đã được thay thế bởi các thuật ngữ triple cask, double cask, triple wood…

SV: Thậm chí là Seven wood! Bọn họ kiêm thêm nghề thợ mộc ngoài việc làm thợ chưng cất! Nhưng có thể đó là hình ảnh của whisky của tương lai. Hãy nhìn GlenAllachie hay Glen Scotia: sức ảnh hưởng của thùng gỗ lớn tới mức ta không còn nhận ra cá tính ban đầu của rượu chưng cất. Sẽ thật thú vị khi ta theo dõi sự thay đổi các quy định về việc sử dụng thùng gỗ ở Scotland. Ta đã bắt gặp rất nhiều whisky trẻ được trợ lực bởi thùng gỗ, đậm mùi siro nhựa phong, vani, bánh táo. Tốt, như thế còn ổn. Nhưng nếu xuất hiện mùi gừng, nước cốt dừa, hạt nhục đậu khấu, đặc trưng gia vị của gỗ, quá đáng sợ. Thay đổi hoàn toàn. Không phải sự dung hòa, mà là ướp áp hết vị đi.

Ta thường nghe thấy các nhà chưng cất bảo rằng: trước đây, họ không quản là loại thùng nào, có gì dùng nấy; còn hiện nay thêm sự hiểu biết về hoạt động của gỗ sồi, mới xuất hiện chính sách quản lý chất lượng gỗ…

SV: Đó là thông cáo thương mại. Việc trước đây họ không quan tâm tới chất lượng gỗ không hoàn toàn đúng. Khi cô đọc quyển kiểm kho của những nhà chưng cất lâu đời, cô sẽ thấy mục ghi nguồn gốc lúc mạch và thùng gỗ… Khi họ tỏ vẻ như đã tìm thấy hòn đá phù thủy để nói với bạn rằng: cuối cùng chúng tôi cũng đã biết cách làm ra rượu ngon, là để che giấu việc họ đã làm giảm đáng kể “time to market”. Biện minh khi sự đã rồi. Ngày xưa, mọi thứ còn chi tiết sắc sảo hơn bây giờ nhiều, kể cả con men. Cô đã từng đọc thấy: “Con men này không dùng được cho giống lúa mạch này” hay như “Lúa mạch của Pakistan năm nay tốt hơn lúa mạch của Canada, chúng ta sẽ sấy lại nó lần nữa”. Rất rõ ràng và sắc nét.

Ông phản đối điều gì ở whisky không có năm tuổi?

SV: Họ che dấu một thông tin quan trong: tuổi. Whisky buộc phải được ủ, phải trưởng thành. Bằng cách nào cô đánh giá tuổi của một whisky? Bằng thời gian. Điều đó không có nghĩa rượu ủ càng lâu mới ngon. Tuổi được định nghĩa bởi thời gian. Nếu cô giấu điều đó đi, tức là đã loại bỏ một yếu tố đồng chất với chất lượng sản phẩm của mình. Như thể tôi bán cho cô một chiếc xe ô tô mà không nói gì tới kích thước của động cơ. Cô muốn biết nếu nó là loại 2 lít hay 3 lít? Ừm, tôi không nói cho cô đâu: đó là một chiếc xe ô tô, chấm hết. Trong khi đó thực phẩm trở nên ngày càng minh bạch về nguồn gốc, nguyên liệu, phụ gia… Whisky, trái lại, lại bỏ đi một thông tin.

>> Khám phá thêm Sự Thật Đằng Sau Những Chai Rượu Không Số

Một chai rượu mà tối nào ông cũng có thể uống vui vẻ?

SV: Clynelish 5 tuổi xuất xưởng đầu những năm 1970s.

Clynelish-5-yo-1970s
Clynelish 5yo 1970

Ông vẫn luôn sưu tập Brora và những whisky cổ?

SV: Không, tôi đã ngừng lại. Đó là một cái bẫy… Khi bạn có tuổi, và con bạn không hứng thú, sưu tầm rượu dần mất đi ý nghĩa. Tất nhiên tôi vẫn còn giữ bộ sưu tập nhưng tôi không mua thêm. Với lại chúng cũng ngày càng hiếm.

Ông có cảm nghĩ gì khi biết tin Port Ellen và Brora sẽ hoạt động trở lại?

SV: Để xem thế nào, nhưng trước mắt tôi thấy điều này thật tuyệt vời. Bởi tôi biết họ sẽ xử lý như thế nào. Họ sẽ không dừng lại ở việc khai thác giá trị thương hiệu, không hề. Họ nghiên cứu phong cách, ADN của sản phẩm gốc. Với những điều kiện này, tôi khá là vui.

Tại sao ông không bao giờ thử mua lại Brora khi nó đóng cửa?

SV: Bởi họ không muốn bán lại cho tôi! Tất nhiên là tôi đã đặt vấn đề. Nhưng tình hình lúc đó rất phức tạp, lò chưng cất chứa đầy quặng amiăng, như rất nhiều lò chưng cất cũ phải đóng cửa. Rồi cả những khó khăn trong quản lý môi trường thủy lợi.

Scotland theo ông luôn là nơi sản xuất những chai whisky ngon nhất?

SV: Đúng vậy, không có gì phải tranh cãi.

Tuy nhiên, có một xu hướng mới trong giới whisky: tất cả các nước trên thế giới đều bắt tay vào làm whisky. Liệu có nhà chưng cất nào khiến ông choáng ngợp hay muốn theo dõi sát sao?

SV: Có một vài nhà khiến tôi ngạc nhiên… mà không phải lúc nào cũng theo hướng tích cưc! Ví dụ Chichibu làm ra những điều tuyệt diệu và cả những điều không tưởng. Ngon nhất cũng như dở nhất. Cái tật cho rượu ủ trong bất kể thùng nào. Sắp tới hẳn sẽ có phiên bản ủ lần hai trong “chậu hoa”! Nếu không, tôi khá tán thưởng Westland (của Mỹ). Ấn Độ cũng khiến người ta phải trầm trồ – Amrut, Paul John, Rampur. Omar ở Đài Loan. Millstone (Hà Lan), họ làm whisky rất cừ. Thụy Điển có Box và nhất là Smögen. Whisky Pháp thì tôi không rõ lắm. Nhìn chung khi biết loại thùng mà họ dùng, tôi không dám thử: thùng từng chứa rượu vang địa phương.

Sự bùng nổ của các lò chưng cất tại Pháp?

SV: Phụt. Khá là đáng yêu (cười ngặt nghẽo) Trên hết tôi đã từng thử những chai không hề ngon chút nào. Cuối cùng, chính xác hơn là có thể uống được nhưng vô dụng. Bạn tự hỏi: tại sao nó lại xuất hiện ở đây và để làm gì? Nhưng thú thật là tôi không để ý nhiều. Tôi thích Glann Ar Mor, Hautes Glaces… Armorik đã cải thiện đáng kể, Miclo không tồi chút nào. Vậy đó, ngoài ra thì tôi chẳng biết gì. Tôi thà không biết gì còn hơn là phải ghét.

Ông đã chứng kiến bình minh, sự tỏa sáng cũng như cơn sốt whisky Nhật?

SV: Đó là một sự thất vọng hoàn toàn. Cách đây 15, 20 năm, khi những single casks của Yoichi và Yamazaki ra đời, chúng đẹp đẽ làm sao. Chất rượu mạnh, tuyệt hảo tới từng chi tiết, chất gỗ tốt mà không quá… Rồi ông bạn Jimbo (Jim Murray) trao giải cho một chai, tiếp nữa là hội Malt Maniacs. Thế là họ đem bán bất kể thứ quái quỷ gì, bỏ số tuổi trên nhãn. Sau đó, luật pháp quy định không có, nhiều người đã lợi dụng sự thăng tiến của whisky Nhật để cho ra đời những thương hiệu giả tiếng để bán những chai rượu không được chưng cất ở Nhật (1). Điều đó vốn luôn tồn tại, ít nhất đối với dòng blends, nhưng chưa bao giờ xảy ra với dòng rượu cao cấp. Người Nhật khá chậm trễ khi phản ứng lại với điều này, trái ngược hẳn với hình ảnh truy cầu sự thuần khiết trong thiết kế hay sản phẩm của họ.

“Có một làn sóng đấu tranh giai cấp trong giới whisky hiện nay”

>> Khám phá thêm về Rượu Whisky Nhật Niềm Tự Hào Phương Đông

Trong 15 năm tới, tình hình thị trường whisky sẽ như thế nào? Ông phù phép quả cầu thủy tinh của ông xem.

SV: Hừm… Ta gần như mong muốn có cuộc đại khủng hoảng để kho rượu già có thời gian tích trữ. Cá nhân tôi thấy lo lắng về sự phát triển của mức tiêu thụ whisky ở Châu Âu: tôi nghĩ sẽ có cú lật ngược, trong khi những thị trường khác không ổn định. Giống như thuốc lá hay những mặt hàng tương tự. Tuy nhiên có điểm tích cực: tôi thấy rất nhiều rượu chưng cất trở nên tuyệt hảo. Bowmore trở nên kỳ diệu, Springbank, Ben Nevis, Highland Park, Benromach, Clynelish… đều được cải thiện đáng kể sau những năm 1970. Vì thế, giá như người ta để chúng yên… Giá như họ không bỏ chúng trong thùng ủ PX!

Giả dụ có một vị thần đèn whisky xuất hiện và cho ông ba điều ước trước khi kết thúc buổi phỏng vấn này? Hãy lựa chọn cẩn thận.

SV: 1, Cỗ máy thời gian để trở về thăm phòng nghiên cứu của chief blender của Johnnie Walker khoảng năm 1930. 2, Ông ấy sẽ cho tôi thử bất cứ thứ gì tôi muốn. 3, Ông ấy cho phép tôi mang về năm 2019 vài mẫu whisky để chia sẻ với hội bạn.

>> Khám phá thêm về Mẫu Rượu Thần Đèn Gold

Hết.

(1) Ở đoạn này ông đề cập những nhãn hiệu bằng tiếng Nhật nhưng whisky lại được sản xuất ở Scotland, Mỹ hay Canada,… như Togouchi, Yamazakura, Kurayoshi v.v.

Dao Tuyet Mai (27/4/2020): Bản dịch nhằm mục đích chia sẻ phi lợi nhuận cho những ai không có điều kiện đọc báo. Mọi sao chép mong ghi rõ nguồn.

ruouxachtay.com – Chạm Vào Đam Mê