27/3 Ngày của rượu whisky
27 tháng 3 có thể là một Ngày Đặc Biệt với nhiều người, và cũng có thể chỉ là một Ngày Bình Thường đối với rất nhiều người khác. Nhân dịp này, mình copy lại một bài viết của một người mà mình tin là sẽ có nhiều anh em trong các group về Whisky biết và ngưỡng mộ, quý mến để cho anh em nào (nhất là những anh em mới bước chân vào thế giới bao la rộng lớn và đầy cuốn hút của Whisky) muốn sẽ có thêm thông tin để tìm hiểu thêm. Chúc anh em một International Whisky Day vui vẻ!
Tại Việt Nam, đây là Ngày Thể Thao Việt Nam, được lấy theo ngày 27/3/1946, ngày mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết lời kêu gọi toàn dân tập thể dục trên báo Cứu Quốc.
Nhưng 27/3 không chỉ có vậy. Đối với những anh chị em đã và đang đam mê sưu tầm, thưởng thức, khám phá thế giới Whisky (có thể gọi là những Whisky Lovers, hoặc thậm chí là Whisky Enthusiast, Whisky Connoisiers), thì 27 Tháng Ba lại là một ngày Đặc Biệt Ý Nghĩa, là một ngày rất NÊN BIẾT và KHÔNG THỂ KHÔNG BIẾT – bởi vì đó chính là International Whisky Day.
Tại sao lại như vậy? Và ngày này được bắt nguồn từ đâu?
Cách đây 72 năm, vào ngày 27/3/1942, Ông Thánh của thế giới Whisky (theo cách nói của nhiều người – bạn có thể không thích cách gọi này, nhưng thôi, ta hãy tạm “quy ước” với nhau như vậy đã nhé) đã chào đời tại Leeds, West Yorkshire, Vương quốc Anh – Michael Jackson.
Có lẽ không công bằng cho lắm, khi mà mỗi khi có ai đó nhắc đến cái tên Michael Jackson thì người ta ngay lập tức nghĩ đến Ông Vua nhạc Pop của thế giới, người đã ra đời sau Ông Thánh Whisky hơn 16 năm sau, bởi vì suy cho cùng, nếu Ông Vua nhạc Pop là một cá nhân vĩ đại, xuất chúng trong Thế giới Âm nhạc, thì Ông Thánh Whisky cũng là một người vĩ đại và xuất chúng trong Thế giới Whisky. Còn nhiều năm sau nữa, và có thể chẳng bao giờ, thế giới này mới có thể tìm được một người có thể làm lu mờ bức tượng đài của Thế giới Whisky & Beer của nhân loại.
Thực ra, có lẽ đã không có sự trùng hợp về họ tên của ông Michael “Anh” và ông Michael “Em”, nếu như sau Thế Chiến II, người cha của Michael “Anh” không quyết định đổi họ cho con trai của mình từ Jakowist sang Jackson với mong muốn con trai của mình sẽ có một cuộc sống tốt hơn, không bị người đời xoi mói và phân biệt đối xử (nếu có thể xảy ra lần nữa) vì nguồn gốc Do Thái của mình. Sau Thế Chiến, cha của ông đã quyết định đưa cả gia đình rời mảnh đất Lit-va (Lithuania) thuộc vùng Baltic, khi mà đất nước này bị sáp nhập vào Liên-xô, sang định cư tại Anh.
KHởi Đầu
Lớn lên, chàng trai Michael Jackson gắn bó cuộc đời mình với nghiệp làm báo và viết lách. Ông viết nhiều thứ, nhưng những gì ban đầu giúp gây dựng nên tên tuổi của ông lại chính là các tác phẩm về Beer.
Khi ông 35 tuổi (1977), ông đã xuất bản một cuốn sách nổi tiếng từ lúc bấy giờ đến tận ngày nay – The World Guide To Beer. Đến nay, cuốn sách đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng và vẫn tiếp tục được nhiều ngành học về thực phẩm, đồ uống lựa chọn làm sách tham khảo cho các môn học liên quan trong các trường Đại học và các trường dạy về du lịch, khách sạn, nhà hàng, ẩm thực… Nó cũng được coi là một cuốn “sách gối đầu giường” của những người mê beer khắp thế giới. Trước Michael Jackson, cũng có rất nhiều người sành beer, nhưng chưa từng có một cuốn sách hướng dẫn, tư vấn, chia sẻ (Guide) nào có sự tổng hợp, chắt lọc và có giá trị sử dụng đến như vậy.
Ngay sau thành công của cuốn sách này và nhiều bài viết lẻ đăng trên rất nhiều cột báo và tạp chí khắp thế giới, Michael Jackson đã định hình ra một phong cách, một trường phái, một văn hóa về nhận diện, phân loại, đánh giá beer cho toàn thế giới, với sự chỉ dẫn hợp lý, đầy đủ về việc phân định đặc trưng của từng dòng beer liên quan đến đặc điểm của vùng địa lý, tập quán dân tộc, đặc sắc văn hóa của từng vùng đất sản xuất ra các dòng beer đó. Ông trở thành một Ông Thánh của Beer. Sau này, ông đã viết hàng loạt cuốn sách nổi tiếng khác về beer như: Pocket Guide to Beer(1986), New World Guide to Beer (1988), Michael Jackson’s Great Beers of Belgium (1991), Michael Jackson’s Beer Companion (1997), Ultimate Beer (1988) và Little Book on Beer (1988).
Đến với Whisky
Song song với việc đi khắp thế giới tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm, thưởng thức và viết sách báo, bình luận, phê bình về beer, ông còn dành phần lớn thời gian của cuộc đời mình để khám phá, thưởng thức, bình phẩm và viết về Whisky, đặc biệt là Single Malts, món quà mà Thượng Đế đã ban tặng cho Vương quốc mà ông sinh sống trọn đời mình. Các tác phẩm nổi tiếng của ông có thể kể đến: The World Guide to Whisky (1987), Michael Jackson’s complete guide to Single Malt Scotch (1999), Scotland and its Whiskies (2001), The Malt Whisky Companion (2004), và Whisky (2005).
Sinh thời, ông nếm trải, thưởng thức vô vàn loại whisky, từ blended scotch tới các dòng single malts, từ các mẫu NAS (no age statement) trẻ tuổi, tới các dòng very old, family reserve, special limied edition vừa nhiều tuổi, vừa đắt tiền, vừa hiếm thấy. Hầu hết các nhà làm rượu (distillers), các nhà pha chế rượu (blenders, bottlers) đều gửi rượu mẫu (samples) đến ông, cho dù là dưới dạng nguyên chai tiêu chuẩn (70cl) hay chỉ là sample dram, để ông thưởng thức, bình phẩm và cho ý kiến.
Sau khi ông mất, người ta đã tìm thấy trong nhà ông gần 2.000 chai whisky các loại, trong đó phân nửa là các chai rượu đã được mở, đã được ông thưởng thức, có chai chỉ còn lại đủ cho một vài dram. Khi đó, tạp chí tiếng tăm Whisky Magazine và Công ty Berry Bros & Rudd (một Công ty rất nổi tiếng trong ngành rượu về đóng chai và buôn bán Whisky cũng như các loại rượu khác) đã quyết định cùng nhau gom tất cả các chai rượu đó lại và đem blend chung để cho ra đời một chai rượu nổi tiếng “Michael Jackson Special Blend” (dung tích 70cl, 43% ABV, limited 1.000 chai). Đây là một chai rượu để tưởng nhớ Michael Jackson, một chai rượu được chủ ý để làm ra cho người uống (for drinkers), chứ không phải chủ ý tạo ra như một món quà quý giá, đắt tiền với vỏ chai pha lê, hộp gỗ quý được cắt gọt hay chạm khắc tinh xảo, được nạm kim cương, đá quý hay dát vàng 24K… Bởi vậy, chai rượu được để trần, không hộp, sử dụng một mẫu vỏ thủy tinh truyền thống Scotland rẻ tiền, mộc mạc, chân phương. Và vì thế, giá bán của nó cũng rất mềm, chỉ quanh quẩn mức giá 50 Bảng Anh 1 chai khi mới xuất hiện (02/2009). Hiện nay, chỉ còn một vài site bán lẻ whisky còn có mẫu này với giá bán đã tăng lên tới gần 100 Bảng. Đây quả là một chai rất đáng có trong Bộ sưu tập của những Người mê rượu, sưu tầm rượu Whisky khắp muôn phương. Nếu bạn thực sự quan tâm đến Whisky, hay tìm mua nó trước khi nó hoàn toàn biến mất hoặc ngủ yên thật lâu trong các Bộ sưu tập cá nhân.
Ngày hội Quốc Tế chính thức được chọn
Trước khi người ta có thể tụng ca những người xuất chúng trong ngành whisky/whiskey sau này như Jim Murray, Serge Valentines, Richard Paterson, Jim McEwan, Bill Lumsden…, bao gồm cả những người là chuyên gia bình phẩm whisky và những người là chuyên gia sáng tạo whisky, thì người ta vẫn phải nghĩ đến, nhắc đến Michael Jackson trước tiên. Dù cho cuốn “Kinh thánh” về Whisky (nói vui theo tên gọi của cuốn sách – “Whisky Bible”) là tác phẩm để đời của Jim Murray, nhưng đến giờ này, dù đang nổi tiếng khắp bốn phương, nhưng bản thân Jim Muray vẫn chưa được “phong Thánh”. Thế giới mới chỉ có một Ông Thánh của Whisky là Michael Jackson.
Michael Jackson mất khi ông vẫn chưa bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy”, ngày 30/8/2007, thọ 65 tuổi, bởi căn bệnh liệt rung Parkinson.
Sau khi ông mất hơn 1 năm, những người yêu mến Whisky tại UK và khắp nơi trên thế giới (tạm gọi là Thế giới Whisky) và những người mến mộ ông đã đề xuất ý tưởng lựa chọn Ngày sinh của ông (27/3) là Ngày Whisky Quốc Tế (International Whisky Day) và biến thành ngày tổ chức những sự kiện giàu ý nghĩa. Vào ngày này, họ quyên tiền cho Quỹ ủng hộ bệnh nhân Parkinson của UK và các Quỹ từ thiện khác. Rất nhiều các Nhà sản xuất (Distillers), nhà bán buôn, bán lẻ (Merchants), nhà đóng chai và pha chế (Bottlers, Blenders) và các Tổ chức, các Hiệp hội, các CLB Whisky khắp nơi trên thế đã hưởng ứng International Whisky Day và đã quyên được tiền với số lượng không hề nhỏ cho các Quỹ thiện nguyện. Toàn bộ khoản tiền thu về từ chai Michael Jackson Special Blend cũng được chuyển vào Quỹ The Parkinson’s Disease Society.
Chia sẻ Đinh Trọng Nghĩa 27/3/2014.